Xe tăng M60 Patton được coi như là bản nâng cấp sâu từ nguyên mẫu M48 Patton, quá trình chế tạo M60 diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến tận năm 1987 với tổng số hơn 15.000 chiếc xuất xưởng.
Thay đổi lớn nhất giữa M60 với M48 đó là M60 sử dụng pháo nòng xoắn M68 cỡ 105 mm, nó hiện vẫn đang nắm giữ kỷ lục là chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực cao nhất thế giới khi đạt tới chiều cao 3,2 m.
Theo dòng thời gian, M60 đã trở nên lạc hậu, không còn đảm đương được đa dạng nhiệm vụ như lúc ban đầu, do số lượng sản xuất rất lớn cho nên nhiều quốc gia đã tiến hành hiện đại hóa chúng lên các tiêu chuẩn cao hơn.
Các công ty chế tạo vũ khí coi đây là phân khúc thị trường béo bở, họ đã giới thiệu một vài mẫu nâng cấp dành cho M60 rất đáng chú ý.
Đầu tiên là phiên bản M60-2000 do Tập đoàn General Dynamics của Mỹ chế tạo, biến thể này được lắp tháp pháo 120 mm cùng hệ thống treo của xe tăng M1 Abrams, đi kèm theo đó là các thiết bị điện tử thế hệ mới, cho khả năng tác chiến tiệm cận với Abrams.
Nổi tiếng hơn là biến thể M60T Sabra do Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Israel - IMI tiến hành trên những chiếc M60 của Thổ Nhĩ Kỳ, khác với M60-2000, xe tăng Sabra hiện phục vụ với số lượng lớn chứ không phải chỉ tồn tại ở dạng thử nghiệm.
Chiến xa của Thổ Nhĩ Kỳ được lắp pháo nòng trơn 120 mm, bổ sung giáp phức hợp composite cùng giáp phản ứng nổ quanh thân xe và tháp pháo cho khả năng bảo vệ cực tốt, bằng chứng là nó đã sống sót sau khi hứng chịu một quả AT-14 Kornet từ phiến quân Nhà nước Hồi giáo khi đang tham chiến tại Syria.
Hai phiên bản trên tuy rằng khiến M60 Patton thực sự được lột xác nhưng đi kèm với đó là mức giá quá cao, ước chừng khoảng 4 triệu USD. Do vậy, nếu khách hàng cảm thấy ngân sách không chịu nổi thì có thể nghiên cứu gói nâng cấp nhẹ nhàng hơn mang tên L3 Destroyer M60A3.
L3 là một gói nâng cấp theo đề nghị của Tập đoàn Raytheon nhằm giúp cho các "ông lão" M60A3 vẫn đáp ứng tốt mọi yêu cầu của chiến tranh hiện đại, giá thành rẻ của nó được kỳ vọng sẽ khiến cho nhiều lực lượng vũ trang trên khắp thế giới quan tâm và tiến tới đặt hàng.
Những thay đổi đáng chú ý trên phiên bản L3 Destroyer M60A3 bao gồm thay thế pháo nòng xoắn M68 cỡ 105 mm bằng pháo nòng trơn M1A2 cỡ 120 mm L/44 (chiều dài nòng gấp 44 lần đường kính), tương tự loại lắp trên M1A1 Abrams.
Động cơ diesel tăng áp Continental AVDS-1790-2 V12 công suất 750 mã lực nguyên bản được thay thế bằng loại mới có công suất máy lên tới 1.200 mã lực cho khả năng cơ động vượt trội.
Tháp pháo được tích hợp cơ cấu điều khiển điện, đi kèm hệ thống điện tử tối tân hơn bao gồm máy tính đạn đạo, kính ngắm toàn cảnh cho trưởng xe và pháo thủ, thiết bị ngắm bắn quang điện. Ngoài ra chiếc chiến xa này còn có ụ súng máy hạng nặng điều khiển bắn từ trong xe.
Về khả năng phòng vệ, xe được bổ sung các tấm giáp composite hai bên sườn, giúp tăng xác suất sống sót khi bị bắn bởi đạn xuyên lõm hoặc đạn xuyên động năng, hai bên và phía sau tháp pháo được bảo vệ bởi giáp lồng nhằm chống lại rocket kiểu RPG-7.
Ngoài ra có vẻ xe còn được lắp động cơ APU phụ trợ ở phía sau, cung cấp nguồn điện cần thiết cho hệ thống điều khiển vũ khí, giúp kíp lái trong tình trạng trực chiến hay giữ chốt không cần phải khởi động động cơ chính.
Phiên bản M60A3 nâng cấp này theo đánh giá tương đương với một số mẫu T-72 hiện đại hóa bởi Nga hay Belarus, thậm chí "ngang cơ" T-72B3/B3M.
Theo Sao Đỏ (Soha/Trí Thức Trẻ)