Tòa án quận Chuncheon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc chi nhánh Wonju cũng phát hiện ra việc bị cáo 38 tuổi, người được đề nghị giấu tên, còn nhiều lần gửi tin nhắn đe dọa tới nạn nhân qua một ứng dụng tin nhắn trên điện thoại sau khi cả hai đã chia tay. Trước đó người phụ nữ đã đệ đơn lên tòa án yêu cầu được bảo vệ và được đồng ý qua việc cấm người đàn ông sử dụng điện thoại để liên lạc hay tiếp xúc gần với bạn gái cũ.
Với việc theo dõi bạn gái cũ và gọi đến 1.023 cuộc điện thoại trong vòng 24 ngày, người đàn ông sẽ phải chịu mức án là 1 năm tù và phải tham gia chương trình điều trị hành vi lén theo dõi kéo dài 40 tiếng đồng hồ.
"Hình phạt được đưa ra do bị cáo liên tục thực hiện hành vi rình rập ngay cả khi đã tòa án đã áp dụng các lệnh cấm tạm thời.", phán quyết của tòa án cho biết.
Theo luật chống theo dõi của Hàn Quốc có hiệu lực vào đầu năm nay, những kẻ rình rập có thể phải đối mặt với bản án ba năm tù giam hoặc 30 triệu won (khoảng 536 triệu đồng) tiền phạt cho hành vi lén theo dõi và nhiều lần vi phạm quấy rối như tiếp cận, đi theo hoặc chặn đường trái ý muốn của nạn nhân; chờ đợi hoặc quan sát nạn nhân ở trong và xung quanh nơi người đó sinh sống, làm việc hoặc học tập; gửi tin nhắn không được chào đón, hình ảnh hoặc video qua thư điện tử, điện thoại hoặc mạng internet; gây ra sự lo âu hoặc sợ hãi bằng cách phá hủy những đồ vật quanh nơi nạn nhân sống khi thực hiện hành vi lén theo dõi..
Ngoài ra, luật cũng quy định rằng cảnh sát có thể thực thi các biện pháp khẩn cấp hoặc các biện pháp tạm thời để tách những kẻ rình rập ra khỏi nạn nhân.
Theo Yonhap, luật cũng được áp dụng với những hành vi tương tự nhắm vào gia đình, bạn bè hoặc người sống chung với nạn nhân. Những hành vi này lặp đi lặp lại sẽ cấu thành tội phạm rình rập, có thể bị phạt tới 3 năm tù giam hoặc 30 triệu won. Hình phạt có thể tăng nặng lên đến tối đa 5 năm tù hoặc phạt 50 triệu won nếu sử dụng vũ khí hoặc vật nguy hiểm khác.
Đạo luật được ban hành vào tháng 10/2021 sau nhiều năm công chúng không ngừng chỉ trích rằng những hình phạt nhẹ nhàng đã dung túng và dẫn đến sự gia tăng các tội phạm liên quan.
Trước đây, loại hành vi này chỉ được Bộ luật Hình sự phân loại là tội nhẹ với mức tiền phạt dưới 100.000 won.
Với luật mới được áp dụng, cảnh sát hiện có thể đối phó với các hành vi bám đuôi bằng cách cung cấp nơi trú ẩn bảo vệ nạn nhân trong quá trình điều tra, cấm các nghi phạm xuất hiện trong phạm vi 100 m xung quanh người bị hại hay liên hệ trực tuyến trong trường hợp có khả năng tái phạm tội.
Bình Minh (Nguoiduatin.vn)