Ấn Độ được biết đến là một "cường quốc" của ngành công nghiệp đẻ thuê hay còn được gọi là mang thai hộ. Những cặp vợ chồng hiếm muộn con hay gặp khó khăn trong việc mang thai sẽ để người khác mang thai hộ, giúp họ sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh. Đứa trẻ được chào đời về mặt huyết thống tất nhiên sẽ không phải là con đẻ của người mang thai hộ.
Từ một hành động tưởng chừng như nhân văn ấy đã bị biến tướng và thương mại hóa ở Ấn Độ. Nó ngày càng phát triển và trở thành ngành công nghiệp tỷ đô của quốc gia này. Vào năm 2012, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ ước tính rằng, ngành công nghiệp này có giá trị tới 2 tỷ USD.
Sau khi nghe nhiều chuyện về ngành công nghiệp đẻ thuê ở Ấn Độ, Julie Bindel, phóng viên Guardian quyết định sang quốc gia này để tìm hiểu. Vốn là người tham gia nhiều chiến dịch đấu tranh chống lạm dụng tình dục phụ nữ, đặc biệt là buôn bán tình dục, Bindel cảm thấy ghê tởm khi nghe đến chuyện "cho thuê tử cung", hay đẻ mướn.
Chứng kiến nhiều phụ nữ ăn vận lịch sự bước vào bệnh viện đăng ký xin đẻ mướn, cô cảm thấy xót xa cho họ vì tiền mà phải chấp nhận mang bầu hộ cho những người xa lạ, không quen biết. Thậm chí nhiều người bị chính chồng mình hoặc bọn ma cô ép buộc phải làm việc này để kiếm tiền.
Nhìn nhân viên lễ tân đang tươi cười giúp các cặp vợ chồng điền vào tờ khai đăng ký dịch vụ, Bindel lại mường tượng ra sự đau đớn và tủi nhục mà những phụ nữ đáng thương kia phải nếm trải. Đến cuối cùng, họ vẫn chỉ bị coi là cái máy đẻ không hơn không kém.
Việc sử dụng dịch vụ đẻ mướn đối với các cặp vợ chồng có nhu cầu ở Ấn Độ không phải là điều gì đáng xấu hổ, nhưng với những phụ nữ chấp nhận mang thai hộ người khác thì ngược lại. Nhiều người buộc phải rời khỏi nhà trong thời gian mang thai vì xã hội không coi đó là việc làm kiếm tiền chính đáng, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Ở bệnh viện nơi Bindel đến, những phụ nữ nhận được gần 6.400 USD cho mỗi ca đẻ mướn. Số tiền này với họ là khá lớn so với mức thu nhập trung bình thấp ở nước này. Trong khi đó, bệnh viện có thể thu được số tiền lên đến hơn 25.000 USD từ các cặp vợ chồng đến đăng ký dịch vụ. Chi phí dịch vụ đẻ thuê ở Ấn Độ thấp hơn khoảng 5 lần so với ở Mỹ. Chính vì vậy nhiều người ở nước ngoài đã tìm mọi cách để đến đây thuê người mang thai hộ.
Hàng năm có khoảng 12.000 người đến Ấn Độ để thuê người mang thai hộ. Phần lớn họ đến từ Anh. Những người mang phận đẻ thuê sẽ được hướng dẫn về chế độ ăn uống và chịu sự giám sát của các y tá để đảm bảo họ uống thuốc đầy đủ và giữ gìn vệ sinh cá nhân. Thậm chí, có bệnh viện còn xây cả một khu nhà riêng để làm chỗ ở cho những người phụ nữ đẻ thuê trong suốt thai kỳ bằng tiền quyên góp của một vài bác sĩ sản khoa.
Người mang thai hộ vẫn có thể ở nhà của họ và được giám sát suốt thai kỳ. Tuy nhiên, phụ nữ Ấn Độ chỉ được đẻ thuê khi họ có sự đồng ý của người chồng. Vì số tiền khổng lồ, mà nhiều người chồng đã ép buộc vợ mình trở thành "cái máy đẻ thuê" cho người khác.
"Chúng tôi không thuê những phụ nữ mang thai hộ mà không có sự đồng ý của chồng họ. Chúng tôi cũng không trả hết tiền trước khi sinh mà đưa cho họ thành nhiều đợt để đảm bảo đứa bé sinh ra khỏe mạnh. Số tiền sẽ được trả hết khi em bé được trao đến tay người thuê dịch vụ", một bác sĩ cho hay.
Sau khi đứa trẻ được sinh ra, để tránh tình trạng những người mang thai hộ nảy sinh tình cảm quyến luyến với đứa trẻ, các bác sĩ cho họ uống thuốc ngăn tiết sữa. Bên cạnh đó, những người phụ nữ ấy sẽ không bao giờ được nhìn thấy mặt đứa trẻ dù chỉ một lần. Họ sẽ không được biết đứa bé là trai hay là gái, da trắng hay da đen, màu tóc như thế nào. Đứa bé sẽ được nhanh chóng đưa đến cho bố mẹ của chúng.
Mặc dù vậy, trên thực tế, vẫn có những người phụ nữ bị ám ảnh sau khi mang thai hộ. Chủ yếu là cảm giác day dứt với đứa trẻ đã gắn bó với họ một thời gian mà họ mang nặng đẻ đau sinh ra. Anandi Chelappan, 34 tuổi, trải lòng về nỗi đau mà cô đã đối diện sau khi đẻ thuê. Cô cho hay, dù biết rằng đứa con cô sinh ra thuộc về người khác, nhưng quãng thời gian 9 tháng 10 ngày mang thai, tình mẫu tử trong cô trỗi dậy khiến cô day dứt và dằn vặt.
"Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy mặt đứa bé sau khi sinh nó ra. Tôi đã khẩn cầu bác sĩ cho tôi nhìn đứa trẻ dù chỉ một lần nhưng không được. Trong tháng đầu tiên, tôi đã khóc rất nhiều nhưng chồng tôi nhắc nhở rằng đó không phải là con đẻ của chúng tôi, đứa bé thuộc về người khác, chúng tôi làm điều này vì cần có tiền", Anandi Chelappan cho hay.
Anandi Chelappan nói rằng với số tiền nhận được từ việc đẻ thuê đã giúp gia đình cô trả hết các khoản nợ và đủ để thuê một căn nhà với hợp đồng dài hạn. Người phụ nữ 34 tuổi này chia sẻ rằng cô rất muốn tiếp xúc với đứa trẻ, chỉ muốn nhìn thấy đứa trẻ từ xa nhưng không thể.
Jothi Lakshmi, 30 tuổi, cũng ở trong tình trạng tương tự. Cô chưa bao giờ được nhìn thấy mặt đứa trẻ mà cô mang thai hộ và luôn mang trong mình cảm giác có lỗi.
"Điều đó thật là khó khăn. Đứa bé đã ở trong bụng tôi quẫy đạp một thời gian dài. Tôi đã gắn bó với nó hơn 9 tháng và trong chốc lát, đứa bé hoàn toàn biến mất", Jothi Lakshmi cho hay.
Sumathi, 38 tuổi, chia sẻ rằng sau 3 tháng sinh em bé, cô đã trải qua những đêm mất ngủ vì ám ảnh và phải dùng thuốc an thần. Vào ngày 4/11 hàng năm, cô đều tổ chức ngày sinh nhật cho đứa trẻ và đến đền thiêng để cầu nguyện cho đứa bé có cuộc sống hạnh phúc mặc dù đứa trẻ không bao giờ biết cô là ai.
Để kiểm soát tình trạng dùng thân thể phụ nữ để kinh doanh, mới đây Ấn Độ đã đưa ra dự luật mới và nếu như được thông qua sẽ khiến ngành công nghiệp cho thuê tử cung gặp khó khăn. Dự luật mới chỉ cho phép các cặp vợ chồng Ấn Độ, kết hôn ít nhất 5 năm và không có con, được phép thuê người mang thai hộ. Người nhận và mang thai cần những tiêu chí khắt khe như di truyền, phòng khám sinh sản, chuyên gia y tế.
Tuy nhiên, nhiều học giả Ấn Độ đã lo ngại về dự luật này có thể sẽ tạo ra một thị trường chợ đen tương tự như buôn bán nội tạng và mại dâm khi những người làm trong ngành công nghiệp này sẽ tìm cách lách luật. Trên thực tế, nhu cầu về việc mang thai hộ đang ngày càng tăng cao và nếu như điều này bị kiểm soát chặt chẽ thì cả nguồn cung và cầu sẽ tìm cách biến tướng theo chiều hướng khác.
Theo Diệp Lục (Helino)