Mặc dù việc làm đẹp với móng tay thường rất tốn kém nhưng trong một vài năm trở lại đây, tại Vương quốc Anh đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các tiệm nail, thường thuộc sở hữu của những người Việt, có giá khá rẻ và không cần phải hẹn chỗ trước.
Đối với nhiều người Việt Nam nhập cư vào Vương quốc Anh, được làm việc trong một tiệm nail là nguồn thu nhập khả thi và hợp pháp. Việc đào tạo diễn ra nhanh chóng và không đòi hỏi trình độ Tiếng Anh cao. Chính vì vậy, số lượng tiệm nail do người Việt lập ra hoạt động ở Vương quốc Anh rất nhiều.
Tuy nhiên, không phải người Việt nhập cư nào cũng kiếm được chỗ làm ổn định và được trả lương hậu hĩnh tại những tiệm nail này. Đa phần, những người Việt Nam tới Anh sinh sống đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó ở nông thôn và họ thường phải chi một khoản tiền lớn hoặc vay nợ những kẻ buôn người để đưa họ vào Anh theo con đường nhập cư trái phép vô cùng mạo hiểm.
Họ được hứa hẹn sẽ có một công việc lương cao tại các tiệm nail và dễ dàng ổn định cuộc sống tại xứ người, có thể gửi tiền hàng tháng về cho gia đình. Tuy nhiên, họ không ngờ rằng mình lại trở thành một "nô lệ thời hiện đại".
Vào năm 2017, hơn 550 người Việt Nam được xác định là nạn nhân của nạn buôn người và nô lệ lao động tại Anh. Đa phần trong số này bị ép phải làm việc nhiều giờ trong tiệm nail hoặc không được trả tiền lương như lời hứa hẹn trước đó.
Nhiều nạn nhân, đa phần là người trẻ, cho biết họ nợ những kẻ buôn người một khoản tiền lớn có thể lên tới 20.000 bảng Anh (gần 600 triệu đồng) để họ được sắp xếp chuyến đi đến miền đất hứa - Vương quốc Anh. Ngay từ khi đặt chân đến đây, họ đã phải làm việc để trả nợ cho những kẻ buôn người. Dù bị vỡ mộng về thực tế khác xa so với những gì tưởng tượng nhưng họ buộc phải chấp nhận làm việc tại các tiệm nail người Việt, thuộc sở hữu hoặc liên kết với những kẻ buôn người.
Tại đây, họ bị bóc lột sức lao động, làm việc liên tục không được nghỉ ngơi và không có ngày nghỉ. Một nạn nhân cho biết họ phải làm việc 60 giờ một tuần với mức lương 30 bảng mỗi tháng (gần 1 triệu đồng), có người còn bị trả ít hơn. Bên cạnh đó, những người lao động nhập cư này phải sống trong điều kiện tồi tàn và chật chội, 10 người ở chung trong một căn phòng.
Không có tư cách pháp lý ở Anh, họ không biết mình đang ở đâu và cần đến đâu để tìm kiếm sự giúp đỡ vì tiếng Anh hạn chế. Chính vì vậy, các nạn nhân bị mắc kẹt và bất lực trước hoàn cảnh thực tại của mình, cắn răng chịu đựng để trả hết số tiền nợ của những kẻ buôn người.
Có thể nói, các tiệm nail của người Việt là nơi tuyệt vời để những kẻ buôn người che giấu các nạn nhân. Đây cũng là nơi để các băng đảng tội phạm có tổ chức dễ dàng thực hiện hoạt động rửa tiền từ các trang trại cần sa và các đường dây mại dâm. Ngoài ra, quy định và cấp phép của các tiệm làm móng ở Anh thường là tự nguyện, với hầu hết các thợ làm móng không bao giờ phải trải qua kiểm tra lý lịch hoặc đào tạo, cho phép người sử dụng lao động thuê người di cư không có giấy tờ và không được đào tạo về chăm sóc móng.
Hiện tượng buôn người ở các tiệm nail Việt Nam rất phổ biến đến nỗi Kevin Hyland, Ủy viên chống nô lệ độc lập của Anh, đề nghị Bộ Nội vụ nên làm việc với Hiệp hội Kỹ thuật viên Nail để thực hiện các biện pháp mới chống lại chế độ nô lệ thời hiện đại trong các tiệm nail này và xem xét đến việc cần cấp phép cụ thể cho các kỹ thuật viên nên là điều bắt buộc.
Vào tháng 1/2018, 3 người Việt gồm hai người phụ nữ và một người đàn ông đã bị phạt tù vì liên quan đến đường dây buôn người, ép họ làm việc tại các tiệm nail ở Anh và bóc lột sức lao động của họ. Thu Huong Nguyen hay còn gọi là Jenny, 48 tuổi, bị kết án 5 năm tù vì các tội thông đồng vận chuyển người để bóc lột lao động và ép buộc các nạn nhân là các em gái vị thành niên làm việc trong điều kiện tồi tệ tại tiệm làm móng.
Hai người khác là một cặp vợ chồng ở thị trấn Burton-on-Trent, cách thủ đô London gần 300 km về hướng nam. Viet Hoang Nguyen, tên tiếng Anh là Ken, 29 tuổi, lĩnh án 4 năm tù và vợ là Giang Huong Tran, còn có tên Susan, 23 tuổi, bị kết án treo hai năm. Cả hai đều bị cáo buộc tội thông đồng vận chuyển và cưỡng bức lao động.
Cơ quan điều tra tin rằng tiệm làm móng của họ chỉ là một phần công cụ của các băng nhóm dùng để rửa tiền "bẩn" thu từ trang trại trồng cần sa và các hoạt động tội phạm khác ở Anh. Vào tháng 2/2016, cảnh sát lục soát tiệm làm móng Nail Bar Deluxe của Jenny ở thành phố Bath, cách London 200 km về hướng đông và tìm thấy 60.000 bảng (gần 2 tỷ đồng) được giấu trong một con thỏ nhồi bông. Trước tòa, đối tượng không thể trình bày được nguồn gốc của số tiền này.
Cũng trong cuộc bố ráp đó, cảnh sát lấy lời khai của một số nạn nhân. Theo đó, một cô bé người Việt Nam cho biết đã đến Anh qua biên giới với Pháp bằng cách "ngồi đằng sau một chiếc xe tải chứa đầy thùng giấy". Sau khi vào Anh, các nạn nhân được chở tới nhiều tiệm làm móng khác nhau ở Cheltenham, Burton-on-Trent, Gloucester và Derbyshire.
Ban đầu các em không nhận thức được tình trạng bị bóc lột và tin rằng đối tượng Jenny "đối xử tốt và chăm sóc cho chúng". Các em không được đi học, không biết tiếng Anh nên phải phụ thuộc vào những kẻ đang kiểm soát mình.
"Ở Anh, các tiệm làm móng của người Việt là một vấn đề lớn. Không chỉ là điểm tiếp nhận những phụ nữ là nạn nhân của bọn buôn người, các tiệm làm móng này còn là mặt tiền của các hệ thống tội phạm lớn hơn: ban ngày làm móng, ban đêm là nhà thổ. Và đôi khi các tiệm này còn dính líu đến mạng lưới ma túy, đặc biệt là các trang trại trồng cần sa trên khắp nước Anh, trong vai trò một cỗ máy rửa tiền.
Các băng nhóm gốc Việt dường như nắm giữ thị phần lớn trên thị trường cần sa Anh. Bọn chúng thường xuyên chuyển lậu người Việt sang Anh để làm việc cho chúng, thường là trẻ em dưới 18 tuổi", chuyên gia Jakub Sobik, thuộc tổ chức chống nạn nô lệ quốc tế, cho biết.
Trong báo cáo đánh giá về hoạt động tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức công bố vào năm 2017, cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh nhận định quy mô thật sự của vấn nạn nô lệ hiện đại có xu hướng tăng theo từng năm và sẽ còn kéo dài. Báo cáo này cho biết kể từ năm 2009 tới 2016, giới chức Anh ghi nhận 1.747 trường hợp mang quốc tịch Việt Nam bị coi là nạn nhân của hoạt động buôn người.
Theo Diệp Lục (Helino)