Grégoire de Fournas, nghị sĩ thuộc đảng Rational Rally ngắt lời ông Carlos Martens Bilongo – đại diện của đảng France Unbowed (LFI) trong phiên họp hạ viện được phát sóng trên truyền hình.
Khi đó, ông Bilongo kêu gọi Chính phủ Pháp hợp tác với các nước Liên minh châu Âu (EU) khác, nhất là Ý và chính phủ mới của Thủ tướng Giorgia Meloni, để hỗ trợ hàng trăm người di cư châu Phi được cứu từ Địa Trung Hải.
Nghe vậy, ông De Fournas ngắt lời bằng cách hét lên “Quay về châu Phi đi!”.
Tình hình trở nên lộn xộn, khiến Chủ tịch Hạ viện Yaël Braun-Pivet phải tạm dừng phiên họp.
Ông Bilongo và LFI gọi hành động này là tấn công cá nhân mang tính kỳ thị chủng tộc, dù đảng của ông Fournas nói rằng câu đó là để nói về những người di cư.
“Hôm nay, một số người một lần nữa lại đưa vấn đề màu da của tôi trở thành trung tâm tranh cãi. Tôi được sinh ra ở Pháp, tôi là một nghị sĩ Pháp và tôi không nghĩ mình sẽ bị sỉ nhục như vậy ở Hạ viện”, ông Bilongo nói với báo chí sau sự việc.
Bà Mathilde Panot, lãnh đạo nhóm nghị sĩ của đảng France Unbowed tại Hạ viện, yêu cầu phải sử dụng biện pháp mạnh nhất đối với ông Fournas: Trục xuất. “Những kẻ kỳ thị như ông ta không có chỗ trong quốc hội của chúng ta”, bà Panot viết trên Twitter.
De Fournas giải thích rằng ông chỉ có ý nói về những người di cư. Trên Twitter, ông nói rằng đảng France Unbowed đã “đánh cắp” lời nói của ông để “xuyên tạc một cách đáng hổ thẹn”.
“Câu nói của tôi là về các thuyền và người di cư, rõ ràng không phải về đồng nghiệp”, ông viết.
Theo quy tắc ngữ âm của Pháp, có rất ít sự khác biệt có thể nghe thấy giữa hai câu “Ông ấy nên về châu Phi đi!” và “Họ nên về châu Phi đi!”.
Sau sự việc, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne nói với báo chí rằng “kỳ thị chủng tộc không có chỗ trong nền dân chủ của chúng ta”.
Hạ viện Pháp họp lại vào ngày 4/11 để quyết định hình phạt đối với ông Fournas. Hình phạt trục xuất gần đây nhất được áp dụng vào năm 2011, áp dụng với ông Maxime Gremetz vì đã làm gián đoạn một phiên họp của quốc hội.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)