Trong khuôn khổ của một trong những nghiên cứu DNA lớn nhất liên quan đến "quái vật hồ Loch Ness", nhóm nghiên cứu trên đã tìm kiếm và phát hiện khoảng 3.000 mẫu DNA ở hồ này.
Hầu hết các sinh vật đều rất nhỏ và trong khi các nhà nghiên cứu phát hiện DNA của heo, nai…, họ không tìm thấy DNA của quái vật hay khủng long.
Ông Neil Gemmell, người đứng đầu công trình nghiên cứu trên, khẳng định ông không loại bỏ giả thuyết lươn ở hồ Loch Ness đã đạt đến kích cỡ khổng lồ.
"Có thể hồ Loch Ness là nơi sinh sống của những con lươn rất lớn" – ông Gemmell chia sẻ tại Trung tâm Loch Ness ở khu vực Drumnadrochit – Scotland.
Ông Gemmell cũng lưu ý rằng chưa từng có con lươn khổng lồ nào bị bắt và "dựa trên những bằng chứng mà chúng tôi thu thập được, chúng tôi không thể loại trừ giả thuyết quái vật hồ Loch Ness thực chất là một con lươn khổng lồ".
Kể từ khi những đồn đoán xoay quanh "quái vật hồ Loch Ness" xuất hiện vào năm 1933, giới khoa học nhiều nơi trên thế giới đã tiến hành nhiều nghiên cứu, đưa ra nhiều giả thuyết.
Vào năm 2003, đài BBC đã tài trợ cho một chiến dịch tìm kiếm diện rộng, sử dụng 600 thiết bị định vị thủy âm (sonar) nhưng không tìm được bằng chứng về sự tồn tại "quái vật hồ Loch Ness".
Một trong những giả thuyết "quái vật hồ Loch Ness" phổ biến nhất là bằng cách nào đó, một con thằn lằn đầu rắn (plesiosaur) có thể sống sót qua đợt tuyệt chủng khủng long và từng đến hồ này.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)