Gene LZTFL1, được xác định thay đổi cách phổi con người phản ứng với tình trạng nhiễm virus, là yếu tố gene quan trọng nhất ảnh hưởng tới nguy cơ bệnh nặng vì Covid-19.
Khoảng 60% người gốc Nam Á có mang gene này, so với 15% người gốc châu Âu. Phát hiện kể trên phần nào có thể giải thích lý do vì sao một số cộng đồng tại Anh có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao hơn, và vì sao Covid-19 có tác động lớn tới tiểu lục địa Ấn Độ.
Giáo sư di truyền học James Davies thuộc Khoa Y trường Đại học Oxford và là một trong các tác giả nghiên cứu cho biết: "Yếu tố gene mà chúng tôi phát hiện giải thích vì sao một số người mắc Covid-19 rất nặng... Có một gene gây nguy cơ khá lớn đối với người gốc Nam Á".
Các nhà khoa học khác lưu ý rằng nghiên cứu kể trên cần được xem xét xác nhận rộng hơn, và những giải thích về mặt di truyền không nên đánh lạc hướng những yếu tố nguy cơ lớn hơn về kinh tế - xã hội mà các cộng đồng thiểu số phải trải qua, bao gồm việc công việc tiếp xúc với nguồn lây bệnh và bất bình đẳng trong tiếp cận y tế.
Nghiên cứu dựa trên một công trình khác đã xác định một phần lớn DNA dường như có ảnh hưởng tới việc một người có bị bệnh nặng vì Covid-19 hay không, dựa trên giải mã trình tự bộ gene của hàng chục ngàn bệnh nhân tại các bệnh viện ở Anh và nhiều nước khác.
Nghiên cứu mới nhất này tập trung vào gene LZTFL1, được cho là làm tăng gấp đôi nguy cơ suy hô hấp và tử vong.
Trước đây, LZTFL1 chưa từng được tập trung nghiên cứu. Các nhà khoa học cho rằng gene này hoạt động như một "công tắc" để kích hoạt cơ chế bảo vệ quan trọng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập các tế bào biểu mô trong phổi. Một biên bản của gene này không đạt được phản ứng thông thường, đồng nghĩa với việc virus có thể xâm nhập và hủy hoại các tế bào trong phổi một thời gian dài sau khi bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.
"Dù chúng ta không thể thay đổi gene, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người có nguy cơ cao về mặt di truyền sẽ hưởng lợi từ tiêm chủng. Do tín hiệu gene ảnh hưởng tới phổi thay vì hệ miễn dịch, vaccine có thể giảm nguy cơ bệnh nặng," Davies nói.
Davies cũng cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng xây dựng phác đồ điều trị tập trung vào phản ứng của tế bào phổi. Hiện nay điều trị Covid-19 chủ yếu tập trung vào thay đổi cách hệ miễn dịch phản ứng với virus.
Những phát hiện của nghiên cứu cũng có thể giải thích vì sao người gốc Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Anh, dữ liệu của cơ quan thống kê nước này cho thấy người gốc Bangladesh có nguy cơ tử vong cao gấp 3-4 lần, người gốc Pakistan có nguy cơ cao gấp 2,5-3 lần, người gốc Ấn có nguy cơ tử vong cao gấp 1,5-2 lần so với dân số trung bình.
Không giống như nguy cơ mà người da đen phải trải qua trong làn sóng thứ nhất, các nhóm người gốc Nam Á vẫn có nguy cơ đáng kể chưa giải thích được, ngay cả khi đã tính tới các yếu tố kinh tế - xã hội.
"Yếu tố di truyền có thể chịu trách nhiệm về phần lớn điều đó," Davies nói.
Một số nhà khoa học khác cho rằng cần thận trọng khi đưa ra những kết luận. Nazrul Islam thuộc Đại học Oxford cho rằng cơ sở dữ liệu gene được sử dụng để nghiên cứu có thể không bao gồm đủ các mẫu từ những nhóm thiểu số.
"Nghiên cứu tạo ra lối thoát dễ dàng để các nhà lập pháp nói rằng, 'đó là vấn đề di truyền, chúng tôi không thể làm gì được," Nazrul Islam nói.
"Chúng ta cần phân tích dữ liệu cẩn thận, đặt nhiều câu hỏi và thận trọng khi đưa ra kết luận. Đây là một nghiên cứu liên quan sâu sắc tới các vấn đề xã hội," ông nói thêm.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)