Tuy vậy, hiện vẫn chưa có loại vaccine nào được chứng minh có hiệu quả với Covid-19, theo SCMP. Tuần trước, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo "hiện vẫn chưa có liều thuốc thần kỳ nào, và có thể sẽ không bao giờ có".
Các chuyên gia cho rằng con người có thể sẽ phải chờ đợi khá lâu cho tới khi một loại vaccine thực sự có hiệu quả xuất hiện, và còn lâu hơn nữa tới khi các sản phẩm vaccine được cấp phép phân phối trên thị trường.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều điều chưa biết về tác dụng của các loại vaccine Covid-19 được cấp phép, và liệu chúng có thể ngăn chặn virus lây lan, đẩy lùi đại dịch hay không.
"Những nỗ lực phát triển vaccine giống như quy trình thử và tìm lỗi. Chúng ta có thể thành công rất sớm, chúng ta có thể không thành công ngay cả khi đã muộn," David Morens, cố vấn của bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ nói.
"Chúng tôi hy vọng sẽ thành công ngay lần thử đầu tiên, và trong vòng 6-12 tháng có thể có vaccine và đưa ra thị trường. Điều đó là khả thi, nhưng sẽ cần rất nhiều may mắn," ông nói thêm.
Nhà vaccine học Jon Andrus cho rằng việc phát triển một loại vaccine hiệu quả chưa chắc đã thành công.
"Thật nguy hiểm nếu đặt cược tất cả vào một loại vaccine, hy vọng rằng loại vaccine đó sẽ sớm được chế tạo, cứu rỗi con người, và quên mất rằng chúng ta cần tiếp tục tập trung vào những gì đang làm ở thời điểm này," ông nói.
Những biện pháp này bao gồm xét nghiệm diện rộng, xác định ca nhiễm và truy vết, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh và đảm bảo giãn cách xã hội, Andrus nói.
Nhoảng hơn 20 ứng viên vaccine đang được thử nghiệm trên con người, trong đó sáu ứng viên đã được thử nghiệm giai đoạn ba quy mô lớn. Đó được coi là cơ hội đầu tiên cho các nhà khoa học đánh giá liệu chúng có thực sự hiệu quả trong việc phòng ngừa virus hay không.
Các nhà khoa học có lý do để lạc quan. Theo SCMP, không như HIV - vốn không rời cơ thể người một khi đã lây nhiễm - phản ứng miễn dịch tự nhiên có thể giúp con người loại bỏ virus SARS-CoV-2, cho thấy một loại vaccine hiệu quả có thể làm được điều tương tự.
Một số ứng viên hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ban đầu bao gồm kháng thể vô hiệu - các phân tử có thể bám vào gai của virus và ngăn nó xâm nhập tế bào con người, và tế bào T, vốn đóng vai trò trung tâm trong phản ứng miễn dịch của cơ thể, và có thể quan trọng đối với miễn dịch lâu dài trước căn bệnh.
Trên lý thuyết, có những dấu hiệu cho thấy vaccine có thể hiệu quả trong việc chống lại virus corona chủng mới, tuy vậy vẫn chưa có gì là chắc chắn cho tới khi những sản phẩm nói trên được thử nghiệp giai đoạn ba, theo các chuyên gia.
"Chúng ta chưa thể biết liệu vaccine có thể kiểm soát được một loại mầm bệnh cho tới khi chúng ta thử nghiệm giai đoạn 3. Chúng ta có thể sử dụng các công cụ miễn dịch để đo lường và theo dõi, để khi thành công hoặc thất bại, chúng ta có thể nói rằng tham số này hữu dụng hay không, tuy vậy không phải là trước thử nghiệm độ hiệu quả," nhà vaccine học Lu Shan thuộc trường y Đại học Massachusetts nói.
Bên cạnh đó, ngay cả các vaccine đã vượt qua thử nghiệm giai đoạn ba và được các cơ quan quản lý đánh giá vẫn có thể cho kết quả khác nhau.
"Mức độ hiệu quả của vaccine được hiểu rất rộng. Câu hỏi đặt ra là, liệu bạn có hài lòng với vaccine hiệp quả 30%, hay chỉ hài lòng với 90%? Bạn đang cố gắng ngăn ngừa các ca bệnh nặng hay đang ngăn ngừa các ca bệnh nhẹ?," Lu nói.
John Donnelly thuộc công ty Vaccinology Consulting cho rằng tùy thuộc vào mức độ bảo vệ mà những vaccine sớm được đưa vào sử dụng có thể mang lại, các biện pháp y tế công cộng có thể cần phải được duy trì "trong một khoảng thời gian", cho tới khi đạt được những tiến bộ mới.
"Có thể vấn đề không đơn giản là phân phối vaccine và rồi chúng ta sẽ trở lại với cuộc sống bình thường trước đại dịch," ông nói.
Những câu hỏi cũng được đặt ra về việc liệu vaccine có thể giúp con người miễn dịch trước virus bao lâu. Một số nghiên cứu cho thấy kháng thể trung hòa ở những người khỏi bệnh đã giảm đáng kể chỉ sau vài tháng.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ liệu một người có thể nhiễm Covid-19 nhiều hơn một lần hay không. Hiện có bốn chủng virus corona ở con người hoạt động giống như cảm cúm thông thường. Giới khoa học tin rằng con người có thể nhiễm lại những loại virus này, dấy lên lo ngại hiện tượng tương tự có thể xảy ra đối với người đã nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là vài tháng hoặc vài năm sau khi khỏi bệnh.
Các nhà khoa học cho rằng giống như các loại vaccine khác, con người có thể cần được tiêm nhắc lại sau một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo miễn dịch. Nhưng dù khoảng thời gian đó là rất ngắn, vaccine vẫn sẽ rất hữu dụng, Morens nói.
"Ngay cả những loại vaccine không hoàn hảo, nếu được sử dụng rộng rãi, có thể làm giảm tốc độ lây lan của virus, giúp chúng ta có thêm thời gian phát triển các loại thuốc, vaccine hiệu quả hơn," ông cho hay.
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)