Các bác sĩ Ấn Độ đang hết sức phiền não. Mặc dù họ đã liên tục khuyến cáo người dân trong hơn 1 năm trời về các biện pháp phòng COVID-19 như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và sát khuẩn tay, nhưng nhiều người vẫn mù quáng tin dùng các "phương thuốc tăng cường miễn dịch" giả và các "phương pháp chữa trị COVID-19 bằng thảo dược", hoặc uống hỗn hợp nước tiểu bò và phân bò, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông)
Tại một trang trại bò ở Geeta Colony ở phía Đông New Delhi, người chủ trang trại có tên Kant Vats cho biết những người muốn tăng cường khả năng miễn dịch thường tìm đến đây để uống loại "cocktail" có tên là "panchakavyam", làm từ nước tiểu bò, phân, sữa tươi, sữa đông và bơ sữa lỏng.
"Tôi nói với họ rằng loại 'thuốc' này nên được uống vào sáng sớm, khi bụng đói. Với thứ này trong người, họ sẽ không nhiễm virus. Nó đã có tác dụng đối với tôi", ông Vats nói.
Khi được hỏi 'phương thuốc' này có tác dụng ngăn ngừa virus ra sao, ông Vats chỉ giải thích đơn giản rằng loài bò được coi là "mẹ", do đó các chất thải của nó có đặc tính khử trùng mà y học "thế giới vẫn chưa khám phá ra".
Một nghị sĩ của Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền, Pragya Thakur, đầu tuần này cũng vừa tuyên bố rằng bà uống nước tiểu bò mỗi ngày để được bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2.
Trong khi đất nước vật lộn với làn sóng dịch bệnh thứ hai, tại một số trang trại bò ở Gujarat, một số người vẫn trộn phân và nước tiểu bò để bôi lên người, để khô rồi rửa lại bằng sữa bò. Mộ đoạn video đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội cho thấy những người sử dụng "phương thuốc" này tuyên bố rằng nó có thể chữa khỏi bệnh COVID-19.
Bò được coi là một loài vật linh thiêng trong đạo Hindu. Do đó, việc có những người đưa ra tuyên bố kỳ quặc về những đặc tính mà họ cho là kỳ diệu của loài bò trong bối cảnh đại dịch là điều không thể tránh khỏi.
Ấn Độ hôm 21/5 ghi nhận 259.551 ca nhiễm COVID-19 mới trong vòng 24 giờ, trong khi số ca tử vong mới do dịch bệnh tăng 4.209 người. Nước này đã đã ghi nhận tổng cộng hơn 26 triệu ca nhiễm kể từ đầu đại dịch, và hơn 291.000 ca tử vong.
CÁC LIỆU PHÁP "LANG BĂM" ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI ÁN ĐỘ CHIA SẺ CHO NHAU
Khi cơn sóng thần của các ca nhiễm mới khiến các bệnh viện quá tải, giường bệnh, thuốc men và oxy đều thiếu thốn, ngày càng nhiều người Ấn Độ tin rằng họ phải phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thế nhưng, họ lại tìm đến những liệu pháp "lang băm"!
Nhiều hướng dẫn phòng COVID-19 đã được chia sẻ trên ứng dụng WhatsApp, từ hướng dẫn xông mũi bằng hơi nước nóng 5 lần/ngày, cho đến lời khuyên xoa dầu vào trong mũi, hay mẹo đốt phân bò để mùi khói "ngừa" virus.
Niềm tin vào các phương pháp chữa bệnh lang băm này có ở mọi tầng lớp ở Ấn Độ. Nhiều nghị sĩ và bộ trưởng thuộc đảng BJP cầm quyền cũng tin vào điều này.
Hồi tháng 2, chuyên gia yoga và một người ủng hộ đảng BJP Baba Ramdev đã công bố một phương thuốc thảo dược được đặt tên là Coronil mà ông tuyên bố "đã chữa khỏi hoàn toàn" những người mắc COVID-19. Mặc dù những tuyên bố này hoàn toàn chưa được chứng minh, bộ trưởng y tế Harsh Vardhan - một bác sĩ - đã tham dự buổi ra mắt sản phẩm.
Ngoài các chế phẩm từ bò, người Ấn Độ còn có niềm tin mãnh liệt vào dầu rắn. Một nguyên nhân là niềm tin vào tôn giáo, và nguyên nhân còn lại là giáo dục.
Người Ấn Độ tắm phân bò để "tăng miễn dịch" |
Hiệp hội Y khoa Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định rằng những niềm tin phi lý vào các chất thải của bò hay những công dụng "thần kỳ" của các loại thảo mộc để tăng cường miễn dịch và "chữa bệnh" Covid-19 là nguy hiểm và phản khoa học.
Chủ tịch hiện tại của hiệp hội, Tiến sĩ Rajan Sharma, bày tỏ sự bức xúc về những người có niềm tin mù quáng này: "Tại sao tôi phải bình luận về những kẻ ngốc? Thay vào đó, tôi chỉ có một câu hỏi dành cho họ. Nếu họ có cách chữa trị, tại sao các bác sĩ chúng tôi không đóng cửa bệnh viện và về nhà luôn?"
Khi được hỏi rằng liệu bệnh viện có nên tiếp tục hoạt động khi những phương thuốc truyền thống có tác dụng hay không, ông chủ trang trại Vats từ chối trả lời trực tiếp. Thay vào đó, ông nói rằng: "Hãy cứ để họ làm theo hệ thống của họ. Hãy cứ để chúng tôi làm theo hệ thống y học truyền thống của mình. Tôi tin tưởng những điều mình làm và những người tìm đến đây cũng vậy".
Tác giả và nhà bình luận Parsa Venkateshwar Rao Jnr cho biết, rất may là những người có niềm tin mù quáng như vậy thuộc nhóm thiểu số ở Ấn Độ, và một trong những lý do là bởi họ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế./.
Theo Hồng Anh (Doanh nghiệp và Tiếp thị)