Vụ trộm mộ khét tiếng Trung Quốc
Trong xã hội Trung Quốc thời phong kiến, không ít ngôi mộ của vương tôn quý tộc, quan lại, thương nhân giàu có... trở thành mục tiêu của những kẻ trộm mộ. Nguyên do là bởi bên trong những ngôi mộ đó có rất nhiều đồ tùy táng giá trị như vàng bạc, châu báu, đồ cổ...
Theo quan niệm của người xưa tại Trung Quốc, con người sẽ tiếp tục cuộc sống ở thế giới bên kia nên việc an táng phải thực hiện đầy đủ theo lễ nghi. Với các bậc vua chúa được coi là "Thiên tử" thì nơi ở sau khi băng hà càng không được tầm thường. Hầu hết các vị hoàng đế hay quý tộc nói chung tại Trung Hoa đều chôn rất nhiều của cải bên người.
Một trong những kẻ trộm mộ nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa phải kể đến Tôn Điện Anh (1889-1947). Hắn là người cầm đầu toán quân thực hiện vụ trộm tại lăng mộ của vua Càn Long và Từ Hi Thái Hậu. Không chỉ vơ vét vô số những bảo vật quý giá, Tôn Điện Anh còn gây phẫn nộ khi hủy hoại thi hài của vua và thái hậu.
Thanh Đông Lăng là nơi chôn cất của 5 vị hoàng đế Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong, Đồng Trị, cùng 15 hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử và 2 công chúa triều đại nhà Thanh. Trong lúc thời thế loạn lạc, việc canh giữ lăng trở nên lỏng lẻo, tạo cơ hội ngàn vàng cho đám mộ tặc Tôn Điện Anh tung hoành.
Tôn Điện Anh đã lựa chọn hai lăng mộ hoành tráng nhất là vua Càn Long và Từ Hi Thái hậu. Khi còn sống, đây là hai người có cuộc sống xa hoa, hẳn đồ tùy táng sẽ vô cùng nhiều và quý.
Lấy danh nghĩa quân đội đi diễn tập, Tôn Điện Anh phong tỏa khu vực quanh lăng, cấm người dân qua lại. Đoàn công binh cho bắt một người thợ đá từng tham gia xây lăng để chỉ vị trí cửa lăng. Mặc dù tìm thấy cửa, binh lính đều phải bất lực trước tầng đá hoa cương được quét hồ gạo nếp vững chắc. Mặc cho chúng ra sức đào đục, cửa lăng vẫn không hề suy suyển. Tôn Điện Anh điên tiết, ra quyết định táo tợn chưa từng có là công khai cho nổ bom để phá lối vào lăng mộ.
Và suy đoán của Tôn đã đúng. Bảo vật trong lăng của Từ Hi Thái hậu khiến ai chứng kiến cũng cảm thấy choáng ngợp. Chúng vơ vét được vô số trang sức bằng ngọc bích, san hô, mã não và ngọc trai sáng lấp lánh.
Chưa hết, Tôn Điện Anh còn xông đến cho cạy nắm quan tài, lột sạch phụng bào trên người Từ Hi bởi quần áo của bà được dệt bằng chỉ vàng, bạc và được gắn vô số ngọc trai cùng đá quý để trang trí. Có thể nói phụng bào trên người Từ Hi Thái hậu là thứ đắt giá nhất trong lăng.
Tương truyền, trên đầu của Từ Hi Thái hậu có chiếc mũ gắn viên ngọc to bằng quả trứng với giá hơn 10 triệu lượng bạc. Miệng bà ngậm một viên minh châu, cổ đeo 3 chuỗi đá quý, tay cầm nhành sen bằng ngọc. Toán lính tham lam giành giật nhau đến nỗi để thi hài của Từ Hi Thái hậu "chỏng chơ" trên nắp quan tài. Ước tính số vàng bạc châu báu mà Tôn Điện Anh trộm được từ lăng mộ của Từ Hi Thái hậu lên đến hơn 30 cỗ xe đầy.
Thu về một kho báu khổng lồ khiến Tôn Điện Anh nóng lòng muốn cạy cửa lăng tẩm của vua Càn Long, một trong những vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc. Cảnh tượng trong lăng vua Càn Long khiến Tôn được mở mang tầm mắt. Không tính đến lượng vàng bạc châu báu nhiều vô kể, lăng vua còn có nhiều cổ vật hiếm thấy. Sau khi càn quét nơi an táng của vua Càn Long, Tôn Điện Anh sở hữu được vô số bảo vật như đồ cổ, thư pháp, tranh vẽ giá trị.
Sau khi bị đám mộ tặc càn quét, lăng mộ vua Càn Long chỉ còn là bãi lầy hỗn độn. Thi hài của nhà vua bị hủy hoại nghiêm trọng khiến muôn người xót xa. Cuốn "Tổng hợp Đông lăng tặc án" có ghi: "Một mảnh xương sườn, hai xương bàn chân. một xương đầu gối đã được tìm thấy bên ngoài lăng".
Vì sao kẻ trộm mộ nhìn thấy cây liễu lại bỏ đi?
Những kẻ trộm mộ thường liều lĩnh và bạo gan như thế, ấy vậy mà chúng cũng có một luật bất thành văn, đó là nếu nhìn thấy cây liễu mọc bên cạnh ngôi mộ cổ thì sẽ bỏ đi, không xâm phạm nữa. Vậy lý do là gì?.
Trên thực tế, điều này không hề liên quan đến yếu tố tâm linh hay đạo đức nghề nghiệp của những kẻ trộm mộ, mà thực tế đó là một cách thức sàng lọc của chúng.
Người Trung Quốc rất chú trọng đến vấn đề phong thủy nên khi xây dựng mộ phần, họ cũng quan tâm nhiều đến vị trí, hướng hay những cây cối mọc xung quanh. Theo quan niệm dân gian, nếu cây cối mọc xanh tốt thì có nghĩa hậu duệ của người chết sẽ có cuộc sống tốt, gặp nhiều may mắn. Xuất phát từ điều này, việc chọn cây trồng trước mộ được chú ý nhiều.
Đối với mỗi tầng lớp trong xã hội, việc lựa chọn cây trồng trước mộ có sự khác biệt lớn. Trước mộ của hoàng đế thường trồng cây tùng, trước mộ của quan lại quý tộc thường trồng cây bách. Trong khi đó, trước mộ của những người dân đen bình thường sẽ trồng cây liễu bởi đây là một loại cây rẻ tiền, dễ trồng, không tốn nhiều công sức chăm sóc.
Do đó, khi những kẻ trộm mộ tìm được ngôi mộ cổ nhưng lại nhìn thấy cây liễu mọc bên cạnh, chúng sẽ hiểu rằng đây là mộ phần của người bình thường, không có nhiều giá trị để khai thác, không cần mất công đào xới mà lập tức quay đầu bỏ đi.
Theo Nguyễn Phượng (Nguoiduatin.vn)