Cảnh sát Malaysia ngày 25/2 công bố kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy có dấu vết của chất độc thần kinh VX trên thi thể của ông Kim Jong-nam, người tử vong tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đặt nghi vấn liên quan đến chất độc được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Kim Jong-nam.
Giới chuyên gia cảnh báo, đây là một loại chất độc cực kỳ nguy hiểm và được coi là vũ khí hóa học có sức hủy diệt hàng loạt và chỉ cần 10mg cũng đủ khiến nạn nhân tử vong khi tiếp xúc qua da. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đặt ra những nghi vấn liên quan đến chất độc được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Kim Jong-nam.
Khalid Abu Bakar, Chánh thanh tra cảnh sát Malaysia, hôm qua cho biết một trong hai nữ nghi phạm bị nghi ngờ có liên quan đến cái chết của ông Kim Jong-nam, đã có những biểu hiện phơi nhiễm chất độc VX. “Cô ấy bị nôn mửa”, ông Khalid nói.
Một video rò rỉ tuần trước cho thấy, tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2, hai người phụ nữ được cho là đã khống chế ông Kim Jong-nam từ phía sau và xịt lên mặt ông một loại dung dịch. Hai người phụ nữ này được cho là đã vội vã rửa tay tại nhà vệ sinh ở sân bay và rời hiện trường ngay sau đó.
Điều đáng nói là, chất độc thần kinh VX khi được phát tán dưới dạng lỏng và hơi nước có thể giết chết nạn nhân chỉ trong vòng một đến hai phút sau khi bị nhiễm độc. Vậy tại sao nghi phạm trong vụ ông Kim Jong-nam nhiều ngày sau đó mới có các biểu hiện phơi nhiễm? Ông Raymond Zilinskas, giám đốc chương trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, nói: “Kể cả khi họ đeo găng tay, thì chất độc này cũng vẫn có thể giết chết họ”.
Lý giải về điều này, trang tin Vice News dẫn lời ông Zilinskas nêu ra giả thuyết rằng, có thể hai nghi phạm đã sử dụng mỗi người một hợp chất khác nhau và sau đó khi kết hợp lại sẽ tạo ra VX khi tiếp xúc mặt nạn nhân. Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, hai nghi phạm có thể đã sử dụng thuốc giải độc VX, loại thuốc khá phổ biến.
Về trường hợp ông Kim Jong-nam, sau khi bị xịt chất độc nghi là VX, ông vẫn có thể ôm mặt tới quầy lễ tân để nói về việc ông bị người nào đó tấn công và nhờ sự giúp đỡ. Quá trình này kéo dài vài phút trong khi thời gian đó đủ để nạn nhân tử vong nếu nhiễm chất độc VX. Ông Kim Jong-nam chỉ tử vong trên đường đưa tới bệnh viện sau khoảng thời gian ngắn lưu lại phòng y tế của sân bay. Về điều này, chuyên gia Zilinskas cho rằng, có thể nghi phạm đã dùng liều lượng chất độc không nhiều. Thêm vào đó, việc sử dụng khăn tẩm độc cũng khiến hạn chế việc chất độc phát tán xung quanh. Đó có thể là lý do hơn một tuần kể từ sau vụ việc của ông Kim Jong-nam, giới chức sân bay Kuala Lumpur không phát hiện trường hợp bất thường nào về y tế ở đây, hay đội ngũ chuyên gia Malaysia cũng không phát hiện dấu vết của chất độc này sau đợt rà soát vào rạng sáng nay, trang New Scientist cho biết.
Bất chấp những giả thuyết này, nhiều chuyên gia vẫn đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh vụ việc của ông Kim Jong-nam. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng, đó có thể không phải là chất độc VX.
Ông Kim Jong-nam tử vong tại sân bay Kuala Lumpur sáng 13/2 khi đang chờ bắt chuyến bay đi Macao. Giới chức Malaysia cho rằng, ông có thể đã bị sát hại. Cuộc điều tra liên quan đến cái chết của ông đang khiến quan hệ ngoại giao Malaysia, Triều Tiên trở nên căng thẳng. Triều Tiên cho rằng, cuộc điều tra của Malaysia “thiếu minh bạch”, “đầy lỗ hổng và mâu thuẫn”. Đến nay, Bình Nhưỡng cũng không công nhận liệu người đàn ông tử vong ở sân bay Kuala Lumpur có phải là ông Kim Jong-nam hay không, mà chỉ đề cập đến là một công dân Triều Tiên mang hộ chiếu tên Kim Chol. |
Theo Minh Phương (Dân Trí)