Thời cổ đại không có đồng hồ, người ta mô tả thời gian của họ dựa trên các hiện tượng thiên thể, lịch sinh hoạt của động vật, v.v..., chẳng hạn như tiếng gà gáy. Sau này người ta bắt đầu sử dụng đồng hồ cát để tính thời gian, chia một ngày thành mười hai giờ, đồng thời tích hợp thiên can và địa chi vào việc xem giờ.
Khi đó, có mười hai giờ một ngày và mỗi giờ xấp xỉ bằng 2 giờ bây giờ, bắt đầu từ giờ Tý (tương đương với 11 giờ buổi tối đến 1 giờ sáng). Buổi trưa, tương đương với 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều hiện tại. Người xưa cho rằng giữa trưa là lúc mặt trời mạnh nhất, dương đạt cực hạn, cũng là lúc âm giảm dần.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là giờ Ngọ 3 khắc là sáng hay chiều?
Theo lịch pháp cổ đại Trung Hoa, "thời" và "khắc" là 2 đơn vị tính thời gian. Một ngày đêm chia thành 12 thời (mỗi thời tương đương 2 tiếng), phân làm 100 khắc. Phương pháp đo thời gian "đồng hồ cát " đặt một thời điểm xấp xỉ bằng 14 phút 24 giây (15 phút) hiện tại. Có nghĩa là, giờ ngọ 3 khắc là gần 12h trưa, lúc Mặt trời ở đỉnh điểm, bóng trên mặt đất thu lại ngắn nhất. Theo cách tính này, giờ Ngọ ba khắc tương đương 11h45 phút trưa. Vào thời khắc này, mặt trời sẽ ở vị trí trung tâm nhất trên không trung, là thời điểm bóng trên mặt đất thu lại ngắn nhất. Theo quan niệm cổ, đây là lúc "dương khí" cực thịnh trong ngày.
Tại sao thời cổ đại lại hành hình các tù nhân vào giờ ngọ 3 khắc?
Người xưa khá mê tín về chuyện hành hình. Họ cho rằng kết liễu sự sống của ai đó chính là “âm sự”. Cho dù phạm nhân có thực sự đáng chết hay không, âm hồn họ vẫn luôn lảng vảng, đeo bám những người tham gia vào việc hành hình như pháp quan, đao phủ…
Vì lẽ đó, cổ nhân đã quyết định chọn thời khắc “dương khí” nhiều nhất trong ngày sẽ trấn áp được âm hồn của phạm nhân.
Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa liên quan chính phạm nhân. Vào thời điểm “giờ ngọ 3 khắc”, con người ở vào trạng thái mệt mỏi ủ rũ, là thời điểm mà người người muốn có một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa.
Vì lẽ đó, việc thi hành án vào buổi trưa được cho là sẽ giảm bớt nhiều đau đớn cho người phạm tội. Nếu xét theo nghĩa này thì việc chọn giờ ngọ ba khắc để hành hình là nghĩ cho phạm nhân, xuất phát từ ý nghĩa nhân văn, từ tình người.
Theo Dương Huyền (Công Lý & Xã Hội)