Cảnh sát Thái Lan hôm 30/8 cho biết, đã có ít nhất 11 người bị nghi ngờ liên quan đến đường dây lừa đảo cho vay trực tuyến, được cho là nguyên nhân khiến một người đàn ông giết vợ và hai đứa con nhỏ của mình trước khi cố gắng tự tử tại nhà riêng của họ nhưng bất thành.
Tờ SCMP dẫn lời ông Rangsan Kamsook, cảnh sát trưởng sở cảnh sát địa phương cho biết, Sanit Dokmai đã bị buộc tội giết người có chủ ý sau khi lực lượng chức năng tìm thấy thi thể của vợ và hai con trai ông, 9 và 13 tuổi, với những vết chém vào hôm thứ 28/8 bên trong một ngôi nhà ở tỉnh Samut Prakan, ngoại ô phía đông thủ đô Bangkok.
Ông Rangsan cũng cho biết, hiện Sanit đã tạm thời tỉnh táo nhưng vẫn ở trong tình trạng nguy kịch và vẫn không thể nói cũng như ăn uống do vết thương nặng ở cổ họng.
Cảnh sát tin rằng, động cơ phía sau những hành vi tàn nhẫn của Sanit là do gia đình người đàn ông này đang vướng vào một khoản nợ khổng lồ. Điều tra cho hay, Sanit là người bảo lãnh nợ cho bạn mình với số tiền là 400.000 baht (275 triệu đồng). Cảnh sát trưởng tỉnh Pallop Araemlah cho biết, người bạn đã bỏ trốn bỏ lại việc Sanit gánh khoản nợ, sau đó vợ Sanit cũng đã cố gắng vay tiền để giúp đỡ và bị lừa.
Cảnh sát Rangsan cho biết, sau khi điều tra về đường dây vay nợ của gia đình Sanit, cảnh sát đã bắt giữ 9 người Thái cùng 2 người Campuchia về tội lừa đảo và vi phạm Đạo luật tội phạm máy tính.
Theo cảnh sát, vợ của Sanit đã đăng ký một khoản vay trực tuyến và bị lừa chuyển số tiền mà những kẻ lừa đảo cho là sẽ phải trả các khoản phí để xử lý các nghiệp vụ. Cảnh sát trưởng địa phương Rangsan cho biết tuần trước cô đã nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát nói rằng cô đã mất hơn 1,7 triệu baht (1,1 tỷ đồng).
Trong những năm gần đây, Thái Lan đã phải đối mặt với nhiều thách thức trước sự bùng nổ của các vụ án lừa đảo và tội phạm mạng. Theo SCMP, trong năm 2022, cảnh sát Thái Lan cho biết họ đã nhận được hơn 200.000 báo cáo về các vụ lừa đảo với tổng thiệt hại của các nạn nhân ước tính lên tới trên 30 tỷ baht.
Một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc cũng đưa ra cảnh báo rằng các băng nhóm tội phạm đã buộc hàng trăm nghìn người ở Đông Nam Á tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến bất hợp pháp với doanh thu trị giá hàng tỷ USD, đặc biệt là ở Myanmar, Campuchia. Lào, Philippines và Thái Lan cũng nằm trong số các quốc gia mà các nạn nhân bị nhắm đến.
Trong các nỗ lực nhằm triệt phá các tổ chức này, đầu năm 2023, các nhà lập pháp Thái Lan đã ban hành luật mới trong đó cho phép các ngân hàng đóng băng ngay lập tức các tài khoản đáng ngờ trong vòng 72 tiếng đồng hồ mà không cần nạn nhân phải báo cáo lên cảnh sát.
Khi nạn nhân chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, số tiền đó thường nhanh chóng được chuyển sang một số tài khoản khác, điều này khiến cơ quan chức năng rất khó theo dõi và lấy lại.
Đầu tháng 8, Bộ trưởng Kinh tế và Xã hội kỹ thuật số Thái Lan đe dọa đóng cửa Facebook, cáo buộc nền tảng truyền thông xã hội này không sàng lọc kỹ lưỡng các quảng cáo, khiến mọi người dễ bị lừa đảo.
QT (SHTT)