Âm thanh phát ra từ đàn piano là thứ âm nhạc êm ái và lắm khi còn được xem là một phương pháp xoa dịu tâm lý. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đánh ra những nốt nhạc hay và cũng không phải ai cũng yêu thích tiếng đàn này. Ohama Matsuzo, sinh năm 1928 tại Nhật Bản là một trong số đó.
Gã đàn ông thất nghiệp nhạy cảm với âm thanh và gia đình hàng xóm mới
Được biết, vì làm việc trong nhà máy ô tô nhiều năm nên sau khi nghỉ việc Ohama trở nên cực kỳ nhạy cảm với âm thanh và không chịu được tiếng ồn. Hắn thường xuyên phải đeo tai nghe khi ở nhà, kể cả lúc xem tivi.
Vậy mà số phận đưa đẩy thế nào, khu nhà tập thể nơi hắn ở tại thành phố Hiratsuka, tỉnh Kanagawa vào năm 1974 có một gia đình “yêu thích âm nhạc” đến ở ngay tầng bên dưới. Gia đình này có 2 cô con gái nhỏ, 4 tuổi và 8 tuổi rất hiếu động. Hai cô nhóc được bố mẹ cưng chiều, mua đàn piano về cho học.
Đáng tiếc, họ không biết rằng, thú vui được xem là tao nhã này đã vô tình đẩy gia đình họ rơi vào bi kịch. Thời điểm họ mới chuyển đến, Ohama đánh giá gia đình này là một gia đình bất lịch sự vì không tới chào hỏi hắn như thông lệ của người Nhật.
Ấn tượng đầu tiên không tốt, cộng với tiếng đàn phát ra quá nhiều lần trong ngày khiến Ohama mang một nỗi bất mãn không hề nhỏ với hàng xóm mới. Mãi cho đến khi một sự kiện khiến Ohama suy sụp xảy ra…
“Người còn sống không ai mà không phát ra âm thanh được đâu chú”
Vợ chồng Ohama ở với nhau nhiều năm không có con, cuối cùng do không chịu nổi cảnh buồn bã thiếu vắng tiếng cười đùa con trẻ trong nhà, trong khi chồng lại thất nghiệp lông bông, vợ Ohama quyết định ly hôn với hắn.
Trong cơn buồn bã chán nản, hắn nghe thấy gia đình hàng xóm mới chuyển tới phát ra những âm thanh hạnh phúc của tiếng đàn piano. Hắn như phát điên và quyết định xuống gõ cửa cảnh cáo.
Lúc này không có ai ở nhà, chỉ có 2 cô bé. Bé lớn 8 tuổi mở cửa, thấy Ohama mặt giận dữ phàn nàn tiếng đàn, cô bé ngô nghê trả lời: “Người còn sống không ai mà không phát ra âm thanh được đâu chú”.
Ohama tức giận đi về, câu nói của đứa trẻ làm hắn thêm muôn phần khó chịu, lúc ấy trong đầu hắn đã nung nấu ý định giết người, “nếu sống mà ồn ào thì chết đi sẽ im lặng”. Và rồi hắn làm thật.
Giết 3 mẹ con và mảnh giấy trước để lại trước khi bỏ trốn
Khoảng 7 giờ 15 phút tối ngày 28 tháng 8 năm 1974, tiếng đàn piano ở nhà hàng xóm lại vang lên. Ohama liền mang theo một con dao, một sợi dây thừng, một cặp kìm âm thầm đi xuống. Hắn canh lúc người mẹ mở cửa đi đổ rác liền lẻn vào nhà.
Bên trong nhà chỉ có 2 đứa trẻ, một đứa đang chơi piano, một đứa đang ngồi chơi dưới sàn nhà. Không nói không rằng, hắn lao vào giết chết cả 2 chị em. Chưa dừng lại hành vi tội ác của mình, Ohama tiếp tục chờ đợi ở cửa, khi người mẹ đổ rác trở vào, hắn dùng dao giết luôn người mẹ. Thời điểm ấy, người bố đi làm chưa về nên may mắn thoát chết.
Sau khi gây án xong, Ohama để lại một mảnh giấy dán trước cửa nhà hàng xóm với nội dung “Chúng mày ít ra đã có thể xin lỗi vì làm phiền người khác”. Mọi chuyện xong xuôi hắn nhanh chóng bỏ trốn.
Đến khi người bố đi làm về phát hiện vợ con mình bị giết liền gọi cảnh sát, sau một thời gian truy lùng, cuối cùng Ohama cũng đã bị bắt. Lúc lấy lời khai, hắn mô tả lại chi tiết hành vi phạm tội của mình nhưng cương quyết nói rằng mình không hối hận. Thậm chí Ohama còn viết một loạt lý do để hợp lý hóa cho việc làm của mình.
Án tử dành cho hung thủ nhưng dư luận lại có phản ứng bất ngờ
Trong phiên tòa sơ thẩm của Tòa án quận Yokohama, theo kết quả kiểm tra, bác sĩ tâm lý xác nhận Ohama có nhiều vấn đề bất ổn về thần kinh. Tuy nhiên, mặc cho đây lý do khả thi có thể giúp Ohama thoát tội, hắn vẫn bị tuyên án tử hình sau hành động giết người máu lạnh của mình.
Cứ tưởng với bản án thích đáng dành cho Ohama, dư luận theo dõi vụ việc sẽ vô cùng hài lòng. Nhưng không, rất đông trong số đó đã kiến nghị xin giảm án cho hắn với lý do bất ngờ.
Được biết, những năm 70, chơi đàn piano được xem là một trào lưu của giới trung lưu tại Nhật Bản, theo ước tính, thời điểm đó có đến hơn 3 triệu hộ gia đình sở hữu cây đàn trong nhà. Tiếng đàn tràn ngập khắp mọi nơi và gây ra không ít phiền toái cho cuộc sống tinh thần của nhiều người và điều này đã khiến họ đồng cảm, xin giảm án cho Ohama.
Nhưng thay vì nắm bắt cơ hội này để đệ đơn kháng cáo, Ohama lại xin được thi hành án tử càng sớm càng tốt. Hóa ra, trong thời gian bị giam trong tù, hắn đã bị tiếng ồn của các phòng giam kế bên làm cho suy sụp, không thiết sống nữa.
Tiếc thay, mong muốn của hắn lại không thành, tại Nhật, dù tuyên án tử hình cho một phạm nhân nào đó, quá trình diễn ra vẫn rất lâu. Cứ thế, đến nay đã hơn 40 năm, Ohama vẫn còn ở trong tù. Năm nay hắn đã 92 tuổi và có thể nói là tử tù cao tuổi và "sống dai" nhất trong lịch sử hành pháp tại xứ sở hoa anh đào.
Theo Old Fashioned (Pháp Luật & Bạn Đọc)