Giày vỡ, điện thoại bỏ lại: Cảnh tượng lạnh lẽo tại hiện trường thảm kịch máy bay Jeju Air khiến trái tim ai cũng nghẹn ngào

18/02/2025 06:15:55

Dấu vết cuối cùng của thảm kịch vẫn nằm im lặng, như chờ đợi ai đó nhớ đến.

Người mẹ 60 tuổi lặng người tại sân bay quốc tế Muan, tỉnh Nam Jeolla, không thể rời khỏi nơi bà đã mất con trai 35 tuổi. Ngày 14/2, sau 48 ngày kể từ thảm kịch máy bay Jeju Air (ngày 29/12/2024), bà Na nghẹn ngào: “Tôi vẫn ở đây, chỉ mong tìm lại dù chỉ một kỷ vật của con”.

Suốt nhiều đêm qua, bà đã ngủ trong căn lều tạm ngay tại sân bay, không biết khi nào có thể tìm thấy thêm di vật của con trai. Hiện tại, thứ duy nhất bà có chỉ là một chiếc dép và một chiếc giày thể thao.

“Tất cả những gì tôi còn lại của con chỉ là một chiếc dép và một chiếc giày,” bà Na nói. Sau lễ tang, bà quyết định nghỉ việc để quay lại sân bay, mong giữ lại thêm chút gì đó thuộc về con mình. “Tôi chỉ muốn có thêm một kỷ vật để nắm giữ”.

Khi lễ tưởng niệm 49 ngày diễn ra vào 15/2, không khí tại sân bay vẫn trầm lắng như thể thời gian đã ngừng lại. Thân nhân của 179 nạn nhân vẫn tiếp tục tìm kiếm những món đồ còn sót lại, với hy vọng níu giữ chút ký ức cuối cùng của người thân. Họ tin rằng những di vật ấy có thể mang lại manh mối giúp họ đến gần hơn với sự thật về thảm kịch.

Khi sự quan tâm của công chúng dần phai nhạt, gia đình các nạn nhân vẫn không ngừng kêu gọi nhà chức trách điều tra đến cùng. “Bi kịch này chưa thể khép lại. Chúng tôi cần biết vì sao nó xảy ra”, một thân nhân đau xót nói.

Trong số 1.200 vật dụng thu hồi từ hiện trường vụ tai nạn, khoảng 500 món đã được trả về cho gia đình, trong khi 300 món vẫn chưa có ai nhận tại sân bay.

Giày vỡ, điện thoại bỏ lại: Cảnh tượng lạnh lẽo tại hiện trường thảm kịch máy bay Jeju Air khiến trái tim ai cũng nghẹn ngào
Người dân tưởng niệm các nạn nhân tại hiện trường thảm kịch máy bay Jeju Air ở sân bay quốc tế Muan vào thứ Sáu (14/2)

Tìm kiếm kỷ vật còn sót lại

Khoảng 400 món đồ còn lại bị hư hỏng quá nặng, không thể nhận dạng. Khu lưu trữ - từng là một nhà kho chứa canxi clorua - hiện được kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ và độ ẩm để bảo quản tốt nhất những kỷ vật thu thập được. Bên trong, từng dãy thùng nhựa chứa giày dép, quần áo, điện thoại và túi xách – tất cả đều được đóng gói cẩn thận và dán nhãn.

"Mỗi khi chạm vào những kỷ vật này, tôi cảm giác như đang nói chuyện với con gái mình lần cuối. Đây không chỉ là những món đồ, mà là từng mảnh ghép trong cuộc đời con chúng tôi”, một người mẹ đau buồn chia sẻ.

Thấu hiểu nỗi mong mỏi của các gia đình, cảnh sát đã dốc hết sức để tìm lại di vật của các nạn nhân. Họ kiên trì sàng lọc từng đống tro tàn, cẩn trọng phục hồi từng món đồ với hy vọng có thể xác định chủ nhân.

Hàng trăm chiếc giày đơn lẻ được đo đạc, đối chiếu nhằm ghép lại thành từng đôi hoàn chỉnh. Cảnh sát kiểm tra chéo thẻ hành lý với danh sách hành khách, thậm chí còn xác định chủ sở hữu bằng những cái tên tìm thấy trong tập tin trình chiếu trên USB.

Chứng kiến một bậc phụ huynh bật khóc khi ôm chặt chiếc áo nhuốm máu, nức nở "Nó vẫn còn vương mùi con tôi”, lực lượng tìm kiếm quyết định không giặt bất kỳ bộ quần áo nào. Họ chỉ hút ẩm để bảo tồn mọi dấu vết còn lại của các nạn nhân cho gia đình.

Lee In-hwan, một sĩ quan 44 tuổi thuộc Cơ quan Cảnh sát Nam Jeolla, đã lưu trữ ảnh chân dung của các nạn nhân trên ứng dụng KakaoTalk cá nhân. Anh muốn ghi nhớ từng gương mặt, hy vọng có thể nhanh chóng nhận ra chủ nhân của bất kỳ món đồ nào tìm thấy.

Một gia đình đau xót cầu xin: "Làm ơn, hãy tìm chiếc nhẫn cưới”. Lee dành thời gian xem lại bức ảnh mỗi khi rảnh rỗi. Trong một đợt tìm kiếm, anh bất chợt nhìn thấy chiếc nhẫn, ngay lập tức nhận ra nó và nhanh chóng trao trả lại cho gia đình nạn nhân.

"Tôi chỉ muốn mang đến cho họ những gì còn sót lại của người thân", Lee nghẹn ngào nói.

Giày vỡ, điện thoại bỏ lại: Cảnh tượng lạnh lẽo tại hiện trường thảm kịch máy bay Jeju Air khiến trái tim ai cũng nghẹn ngào - 1
Bên trong phòng lưu trữ kỷ vật

"Chúng tôi sẽ nhớ lâu hơn"

Đường băng tại sân bay quốc tế Muan vẫn đóng cửa. Xác máy bay đã được di dời, nhưng đống đất nơi chiếc phi cơ lao xuống vẫn còn nguyên như ngày thảm kịch xảy ra.

Những dải ruy băng đen và hồng phai màu, buộc trên hàng rào gần đường băng, bay phấp phới trong gió. Xung quanh là những mảnh giấy ghi lời chia buồn do người viếng để lại. Những vòng hoa đặt tại hiện trường đã úa tàn theo thời gian. Đôi khi, có người dừng xe, lặng lẽ đứng bên hàng rào, cúi đầu tưởng niệm.

“Quá nhiều người đã mất mạng ở đây, nhưng dường như thế giới đang quên đi quá nhanh. Tôi đến đây hôm nay để nhớ lâu hơn một chút”, Yoon, 24 tuổi, đến từ Mokpo, chia sẻ

Gia đình các nạn nhân cũng chung một nỗi niềm. “Công chúng cần tiếp tục quan tâm để chính phủ điều tra nguyên nhân thực sự và đưa ra các biện pháp an toàn phù hợp,” một người cha mất con trong vụ tai nạn nói.

Tại lễ tưởng niệm ngày 15/2, đại diện gia đình các nạn nhân, ông Park Han-shin, nhấn mạnh: “Chúng ta cần làm rõ nguyên nhân để sự hy sinh này không trở nên vô nghĩa”.

Cho, người mất mẹ trong vụ tai nạn, nghẹn ngào: “Chúng tôi sống trong nỗi sợ rằng chuyện này có thể lặp lại với ai đó nếu tất cả chỉ dừng lại ở đây. Nỗi đau này không thể chịu đựng được. Xin đừng quên chúng tôi”.

Theo Phong Lam (Thanh Niên Việt)

Nổi bật