Lăng mộ của pharaoh Ai Cập Tutankhamun được nhóm của Howard Carter tìm thấy tại thung lũng các vị vua vào năm 1922. Đây là một trong những lăng mộ hoàng gia Ai Cập nguyên vẹn nhất từng được phát hiện cho đến nay. Nhờ vậy, xác ướp của pharaoh Tutankhamun và hàng ngàn cổ vật còn nguyên vẹn. Trong đó, vũ khí hơn 3.000 tuổi không hoen rỉ trong lăng mộ gây nhiều tò mò.
Vũ khí đó chính là con dao găm nạm vàng. Lưỡi dao được làm hoàn toàn từ sắt và phần cán dao được chế tác tinh xảo, trang trí bằng những họa tiết làm từ vàng. Vỏ dao cũng làm từ vàng.
Con dao găm nạm vàng được đặt cạnh đùi phải xác ướp pharaoh Tutankhamun. Các chuyên gia không khỏi tò mò vì sao lưỡi dao không bị hoen rỉ như những vũ khí làm từ sắt khác. Sự khác biệt này khiến một số người đặt ra nghi vấn liệu nó có phải do người ngoài hành tinh tạo ra.
Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một số kiểm tra, phân tích chi tiết vật liệu tạo nên con dao găm nạm vàng của Pharaoh Tutankhamun.
Sau một thời gian nghiên cứu và sử dụng các công nghệ hiện đại như quang phổ kế huỳnh quang tia X không gây hư hại đến cổ vật, nhóm các nhà nghiên cứu người Italy và Ai Cập phát hiện phần lưỡi sắt của con dao găm nạm vàng có nguồn gốc từ thiên thạch.
"Tỷ lệ nickel cao chỉ rõ kim loại sắt có nguồn gốc thiên thạch", nhà khoa học Daniela Comelli ở Khoa Vật lý thuộc Đại học Bách khoa Milan, tác giả chính của nghiên cứu cho hay.
Thiên thạch sắt chủ yếu bao gồm: sắt, nickel, một lượng nhỏ coban, phốt-pho, lưu huỳnh và các-bon. Theo các chuyên gia, những đồ tạo tác sản xuất từ quặng sắt dưới lòng đất chứa tối đa 4% nickel. Thế nhưng, lưỡi dao sắt trên con dao găm của vua Tutankhamun chứa gần 11% nickel.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tất cả thiên thạch tìm thấy ở khu vực trong phạm vi bán kính 2.000 km tính từ Biển Đỏ. Do đó, họ tìm ra 20 thiên thạch sắt. Trong số này, chỉ một thiên thạch có tên Kharga là có thành phần nickel và coban tương ứng với thành phần lưỡi dao găm trong mộ Tutankhamun.
Vào năm 2000, một mảnh vụn thiên thạch Kharga được tìm thấy ở cao nguyên đá vôi tại Mersa Matruh, cảng biển cách thành phố Alexandria, Ai Cập 240 km về phía tây. Các nghiên cứu của giới chuyên gia cho thấy người Ai Cập cổ đại rất quý trọng sắt lấy từ thiên thạch nên dùng chúng để sản xuất những đồ vật quý dành cho vua chúa, quý tộc.
Người Ai Cập thời cổ đại có thể tin rằng, những mẩu sắt rơi xuống từ trên trời xuống mang theo thông điệp của thần linh. Vì vậy, nó được dùng để chế tạo vật phẩm cho bậc đế vương. Thêm nữa, lưỡi dao găm được tạo ra với chất lượng cao cho thấy nghề rèn sắt rất phát triển ở Ai Cập vào thế kỷ 14 trước Công nguyên.
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)