Giáo viên Hàn Quốc được dùng vũ lực xử lý học sinh quấy rối trong lớp

19/08/2023 07:44:42

Sau hàng loạt các vụ việc thương tâm của giáo viên Hàn Quốc, mới đây, Bộ Giáo dục nước này quy định họ được phép sử dụng vũ lực để kiềm chế học sinh gây rối trong lớp.

Tờ The Straits Times đưa tin Bộ Giáo dục Hàn Quốc chính thức đưa ra quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của giáo viên sau hàng loạt các sự việc thương tâm vừa qua.

"Giáo viên được phép đuổi và thu điện thoại của những học sinh có hành vi gây rối hoặc làm gián đoạn hoạt động của lớp học", đại diện Bộ Giáo dục Hàn Quốc tuyên bố trong cuộc họp ngày 17/8.

Quy định mới được áp dụng cho giáo viên làm việc tại các trường tiểu học, THCS và trung học phổ thông. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết thêm trường hợp học sinh không hợp tác, giáo viên có thể báo hiệu trưởng để đưa ra các hình phạt. 

Dự kiến ​​quy định có hiệu lực từ 1/9, giáo viên cấp 1, cấp 2 và cấp 3 có quyền thu điện thoại hoặc các đồ dùng gây rối khác của học sinh nếu các em không tuân thủ nội quy trong lớp.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc nhấn mạnh trong trường hợp khẩn cấp giáo viên được phép sử dụng vũ lực để kiềm chế học sinh gây rối trong lớp và yêu cầu hiệu trưởng áp dụng các hình thức kỷ luật mạnh.

Quy định có thêm yêu cầu với học sinh và phụ huynh trong trường hợp không đồng tình với phương pháp giảng dạy của giáo viên, gia đình có quyền gặp hiệu trưởng để giải quyết sự việc trực tiếp. 

Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục nước này nói thêm giáo viên và phụ huynh có thể gặp gỡ và trao đổi với nhau. Lưu ý, việc trao đổi diễn ra trong giờ làm việc của giáo viên và phải được lên lịch trước. Điều này chỉ được thực hiện khi cả giáo viên và phụ huynh tuân thủ quy tắc trên.

Trong trường hợp phụ huynh có hành vi quấy rối, chửi mắng hoặc bạo lực thể chất, giáo viên có quyền chấm dứt việc gặp gỡ phụ huynh. Họ được phép từ chối gặp phụ huynh ngoài giờ làm việc.

"Sở dĩ, quy định này được đưa ra do thời gian qua quyền của học sinh được đề cao quá mức, dẫn đến quyền của giáo viên bị suy giảm, họ không được tôn trọng. Giáo viên gặp khó khăn trong việc quản lý và ngăn chặn việc sử dụng điện thoại của học sinh trong lớp", ông Lee Joo Ho - Bộ trưởng Giáo dục, chia sẻ về việc đưa ra quy định mới để bảo vệ quyền lợi của giáo viên.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc hy vọng những quy định mới là cơ hội lập lại trật tự trong lớp và giúp trường học trở thành nơi cân bằng giữa học sinh và giáo viên.

Quyền của giáo viên bị suy giảm do nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, một số người cho rằng, việc cấm giáo viên sử dụng vũ lực với học sinh là một nguyên nhân.

Trước đây, giáo viên có thể trừng phạt học sinh vì hành vi sai trái, kể từ năm 2010 những hình phạt đó bị cấm. Các chuyên gia nhận định khi giáo viên được khuyến khích áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng đối với học sinh và phụ huynh dẫn đến việc các vụ bạo lực đối với giáo viên ngày càng gia tăng. 

Thời gian tới, Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ tiếp tục làm việc với các trường học để nâng cao quyền lợi của giáo viên. Theo đó, các biện pháp bảo vệ dành cho giáo viên sẽ được công bố vào cuối năm 2023.

Năm 2022, các trường học ở Hàn Quốc đã tiếp nhận và xử lý hơn 3.000 trường hợp giáo viên bị đe dọa hoặc hành hung. 

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, năm 2022, ước tính 202 trường hợp vi phạm quyền của giáo viên gây ra bởi phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh. Trong đó, 75 trường hợp phỉ báng, 45 trường hợp can thiệp nhiều lần vào quá trình giáo dục, 25 trường hợp cản trở thi hành công vụ, 24 trường hợp có hành vi đe dọa và 14 trường hợp bạo lực thể chất đối với giáo viên.

Dữ liệu của Bộ Giáo dục cho biết thêm tổng cộng có 1.133 giáo viên đã bị quấy rối từ năm 2018-2022. Ngoài ra, học sinh vi phạm quyền của giáo viên trong lớp học vượt quá 2.000 trường hợp năm 2022. Tính từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2023, có 100 giáo viên tiểu học và THCS qua đời vì tự tử. Trong đó, 57 người là giáo viên tiểu học.

Căn cứ thêm vào kết quả khảo sát mức độ hài lòng với công việc của giáo viên Hàn Quốc hồi tháng 5, cho thấy sự giảm mạnh. Trong hơn 6.800 giáo viên, chỉ 24% người hài lòng với công việc, giảm 43,8% so với năm 2006. Khoảng 88% giáo viên cho biết tinh thần bị sa sút, 70% cảm thấy quyền của giáo viên không được bảo vệ.

Theo Thắm Nguyễn (VietNamNet)

Nổi bật