Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi thông báo về việc đến nơi an toàn của 91 công dân Ả Rập Saudi và khoảng 66 công dân từ 12 quốc gia, bao gồm Kuwait, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Tunisia, Pakistan, Ấn Độ, Bulgaria, Bangladesh, Philippines, Canada và Burkina Faso.
Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi cho biết những người nước ngoài bao gồm "các nhà ngoại giao và quan chức quốc tế".
Theo báo Arab News, với chuyến tàu sơ tán do Lực lượng Hải quân Hoàng gia thực hiện, Ả Rập Saudi trở thành quốc gia đầu tiên tiến hành sơ tán công dân đang bị mắc kẹt tại vùng chiến sự ở Sudan về nước, chỉ một tuần sau khi giao tranh bùng phát, khiến hơn 400 người thiệt mạng.
Theo hãng truyền hình nhà nước Al-Ekhbariya của Ả Rập Saudi, 4 chuyến tàu khác sẽ chở 108 công dân từ 11 nước khác nhau rời Sudan về cảng Jeddah trên biển Đỏ trong những ngày tới.
Nhiều nước khác cũng lên kế hoạch sơ tán công dân trong bối cảnh Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ sơ tán công dân nước ngoài hiện mắc kẹt tại vùng chiến sự.
Đài BBC dẫn tuyên bố từ quân đội Sudan cho biết các nhà ngoại giao và công dân từ Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc sẽ được sơ tán khỏi Sudan bằng đường hàng không. Cụ thể là trên các máy bay vận tải quân sự từ thủ đô Khartoum.
Chỉ huy quân đội Sudan Abdel Fattah Burhan đã đồng ý tạo điều kiện và đảm bảo việc sơ tán "trong những giờ tới".
Trong khi đó, chính phủ Anh cho biết họ đang chuẩn bị cho "một số tình huống bất ngờ".
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin đang chuẩn bị sơ tán công dân. Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cũng cho biết nước này đã chuẩn bị sẵn máy bay để sơ tán công dân.
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết sáu máy bay đã được gửi đến Djibouti như một phần trong nỗ lực của nước này nhằm sơ tán công dân Tây Ban Nha và công dân các nước khác.
Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo quân đội nước này đang chuẩn bị nhiều phương án nhất có thể để sơ tán công dân khỏi Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Khartoum.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đánh giá rằng tình hình dần tồi tệ, còn nhiệm vụ sơ tán rất nguy hiểm và phức tạp.
Theo đài BBC, giao tranh ác liệt ở trung tâm Khartoum hôm 22-4, sân bay quốc tế của Khartoum đã bị đóng cửa, nên chưa rõ việc sơ tán khỏi sân bay Khartoum diễn ra như thế nào.
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)