Krug là một nhà hoạt động vì quyền lợi của người Mỹ gốc Phi và cũng là giáo sư giảng dạy về lịch sử của nhóm người này tại đại học George Washington. Trong bài đăng trên Medium hôm 3/9, bà thừa nhận mình là một phụ nữ da trắng quê ở thành phố Kansas và đóng giả là người da màu suốt nhiều năm qua.
Krug từng nhận hỗ trợ tài chính từ nhiều tổ chức văn hóa như Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa người Da màu Schomburg để viết cuốn sách về cuộc chiến chống buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Nhưng theo bài đăng, sự nghiệp của bà bắt nguồn từ "mảnh đất dối trá độc hại".
"Từ khi trưởng thành, tôi đã trốn tránh thời thơ ấu khi còn là một đứa trẻ da trắng người Do Thái ở ngoại ô thành phố Kansas dưới nhiều hình thức khác nhau trong cái vỏ của một người da màu mà tôi không được phép tự nhận: đầu tiên là một người da màu Bắc Phi, rồi một người Mỹ gốc Phi, sau đó là một người da màu gốc Caribe", Krug viết.
Krug lấy tên là Jessica La Bombalera trong giới hoạt động bảo vệ quyền lợi người Mỹ gốc Phi, từng phát biểu trong một phiên điều trần công khai ở thành phố New York hồi tháng 6 về sự tàn bạo của cảnh sát với người da màu.
Trong bài đăng trên Medium, Krug ám chỉ về tuổi thơ đau buồn và nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần, nhưng thừa nhận không thể lợi dụng chúng để ngụy biện cho hành vi của mình.
"Tôi đã chiến đấu với con quỷ sức khỏe tâm thần suốt đời, cả khi còn bé và trưởng thành. Các vấn đề sức khỏe tâm thần giải thích việc tôi đóng giả là người da màu khi còn bé và tiếp tục làm thế khi lớn lên", Krug viết, thừa nhận đó không thể và sẽ không bao giờ giải thích hay biện minh được cho hành động của mình.
Đại học George Washington chưa đưa ra bình luận về bài đăng của Krug. Năm 2015, nhà hoạt động dân quyền kiêm cựu chủ tịch Hiệp hội Quốc gia về Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP) Rachel Dolezal bị bố mẹ bóc mẽ vì mạo danh là người da màu trong khi thực chất là người da trắng. Sau đó, Dolezal tiết lộ từng bị sang chấn tâm lý thời thơ ấu và tự gọi mình là "trường hợp chuyển màu da đầu tiên trên thế giới".
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)