Đặt chân đến thành phố lớn nhất của Myanmar, Giáo hoàng Francis được chào đón bởi hàng ngàn người Công giáo mặc trang phục truyền thống rực rỡ đứng vẫy cờ với sự háo hức được chứng kiến chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Tòa thánh đến Myanmar.
CNN dẫn lời những người đứng đón Giáo hoàng trên đường phố Yangon nói rằng, họ rất háo hức ngay cả trước khi ông đặt chân đến. “Giáo hoàng Francis đang làm điều tốt đẹp cho mọi người ở Myanmar và trên thế giới. Dù bạn muốn nói gì về lãnh đạo Tòa thánh thì ông ấy cũng có ý định tốt. Ông ấy là con người của hòa bình”, luật sư U Way Myint đánh giá. “Chúng tôi ở đây để được nhìn thấy Đức Cha. Điều này mấy trăm năm mới xảy ra một lần. Ông ấy rất hiểu biết những vấn đề chính trị. Ông ấy sẽ xử lý vấn đề một cách khôn ngoan”, báo Today Online dẫn lời ông Win Min Set, người có mặt trong khoảng 1.800 giáo dân từ miền tây và miền nam Myanmar đến đón Giáo hoàng, ngụ ý nói về vấn đề người Rohingya.
Nhiều cảnh sát chống bạo động được huy động đến bảo vệ chuyến thăm của Giáo hoàng nhưng đến nay chưa có dấu hiệu sẽ xảy ra biểu tình. Từ tháng 7, khi người đứng đầu Vatican thông báo sẽ thăm Myanmar, tình hình ở bang Rakhine ngày càng tệ hơn. Hơn 623.000 người tị nạn Rohingya ở Myanmar đã vượt qua biên giới sang Bangladesh kể từ ngày 25/8 năm nay, sau một vụ bùng nổ xung đột giữa quân đội Myanmar và các tay súng vũ trang ở bang Rakhine, một vùng nghèo khó ở phía tây Myanmar.
Chính phủ Myanmar nhiều lần bác bỏ cáo buộc rằng, họ đang thực hiện một chiến dịch bạo lực có tổ chức nhằm vào người Rohingya và cho rằng chính những tay súng nổi dậy gây ra thiệt hại trên diện rộng. Ngược lại, các nước phương Tây dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích cách làm của Myanmar.
Nhiều chuyên gia phương Tây cảnh báo rằng, chuyến thăm của Giáo hoàng Francis đòi hỏi sự cân bằng giữa rất nhiều vấn đề hóc búa về tôn giáo, ngoại giao và nhân đạo, giống như việc phải bước đi trên một sợi dây thừng. Ngay cả cấp dưới cũng khuyên Giáo hoàng tránh dùng tên Rohingya vì sợ điều này có thể làm hỏng thông điệp về sự hòa giải trước khi nó được đưa ra.
Quan điểm của chính phủ Myanmar là những người Hồi giáo ở bang Rakhine là những người gần đây di cư từ Bangladesh đến chứ không phải công dân thực sự của Myanmar, còn nhiều người Rohingya nói rằng, họ đã sống ở đây nhiều thế hệ.
Chuyển tải thông điệp
Các chuyên gia cho rằng, câu hỏi chính được đặt ra trong chuyến thăm lần này là Giáo hoàng sẽ chọn cách thảo luận câu chuyện người Rohingya như thế nào. CNN dẫn lời ông Aaron Connelly, nhà nghiên cứu đang công tác tại Viện Lowy ở Úc, nói: “Rõ ràng điều thôi thúc chuyến thăm này là mong muốn nói chuyện về vấn đề người Rohingya. Vấn đề là ông ấy có thể làm điều đó theo cách bớt chỉ trích và hợp tác hay không. Hay ông ấy sẽ nói thẳng ra rằng điều này là thái quá, những người đó có quyền ở lại Myanmar?”.
Sau khi cuộc khủng hoảng Rohingya nổ ra, Giáo hoàng kêu gọi giáo dân “cầu nguyện cho những người anh em của chúng ta”. Trong đoạn thông điệp bằng video gửi đến Myanmar tuần trước, Giáo hoàng Francis không đề cập đến tên Rohingya mà nói về thông điệp lớn hơn là sự hỗ trợ lẫn nhau “như những con người trong gia đình chung nhân loại”.
Giáo hoàng Francis dự kiến dành 3 ngày ở Myanmar trước khi lên đường sang Bangladesh, nơi ông định gặp ít nhất một nhóm nhỏ người tị nạn Rohingya tại thủ đô Dhaka. Tại Myanmar, Giáo hoàng sẽ gặp nhà bà Aung San Suu Kyi và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing. Giới phân tích cho rằng, Giáo hoàng cần gặp cả hai người này nếu ông muốn chuyển tải thông điệp về lòng trắc ẩn. Giáo hoàng cũng sẽ thực hiện một buổi cầu nguyện tập thể tại sân vận động Kyaikkasan Grounds ở Yangon vào ngày 29/11, một sự kiện công cộng cực kỳ được quan tâm.
“Như Giáo hoàng nói trước chuyến thăm rằng, ông sẽ mang theo thông điệp về hòa bình, sự tha thứ và hòa giải”, người phát ngôn Tòa thánh Greg Burke nói với báo giới tuần trước. Giáo hoàng Francis từng có những hành động mang thông điệp lớn. Khi đến thăm Hy Lạp năm ngoái, Giáo hoàng mang theo khoảng chục người tị nạn Syria về Rome cùng ông.
Dù quan điểm của Giáo hoàng về cuộc khủng hoảng Rohingya sẽ là tâm điểm chú ý của báo chí nhưng Giáo hoàng dự kiến cũng sẽ kêu gọi trao quyền lớn hơn cho vài triệu giáo dân ở Myanmar.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)