Bí ẩn về trận sương mù "sát nhân" ở thủ đô London - Anh vào năm 1952 khiến hàng ngàn người chết vừa được một nhóm nhà khoa học quốc tế làm sáng tỏ.
Trong đợt rét đột ngột vào ngày 5-12-1952, các hạt lưu huỳnh trộn với khói từ việc đốt than và khiến màn sương mù màu vàng có mùi trứng thối. Một số cư dân London báo cáo rằng họ không thể nhìn thấy chân mình còn các phương tiện trên đường đều ngừng hoạt động, ngoại trừ hệ thống tàu điện ngầm. Trong khi đó, chim chóc liên tục đâm vào các tòa nhà cao tầng còn các vụ trộm cướp tăng lên nhanh chóng khi thủ phạm có thể dễ dàng chạy thoát.
Cuối cùng, đám sương mù trên tan vào ngày 9-12 sau khi bị các đợt gió lạnh thổi ra Biển Bắc. Vụ việc dẫn đến sự ra đời của Đạo luật Không khí Sạch 1956, hạn chế các hoạt động đốt than tại những khu vực thành thị ở Vương quốc Anh.
Thủ đô London bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc vào năm 1952. Ảnh: PA |
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học tin rằng họ đã biết được nguyên nhân chính xác và nguồn gốc của đám sương mù thông qua các thí nghiệm và đo đạc không khí tại Trung Quốc, nơi có tới 16 thành phố góp mặt trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Công trình nghiên cứu này được đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
"Mọi người đều biết rằng sulphate góp phần gây ra sương mù. Các hạt acid sulfuric được hình thành từ khí sulfur dioxide thải ra từ việc đốt than trong sinh hoạt của người dân, nhà máy điện cũng như các nguồn khác" - tác giả chính của nghiên cứu, TS Renyi Zhang của Trường ĐH Texas A&M (Mỹ), nói.
"Tuy nhiên, việc khí sulfur dioxide trở thành acid sulfuric lại là điều chưa ai rõ. Các kết quả của chúng tôi cho thấy quá trình này được hỗ trợ bởi khí nitrogen dioxide, một sản phẩm phụ khác từ hoạt động đốt than, và ban đầu xảy ra với sương mù tự nhiên" - TS Zhang giải thích.
Theo ước tính, màn sương mù này đã khiến hơn 12.000 người thiệt mạng. Ảnh: PA |
Theo nghiên cứu, tình trạng tương tự nói trên cũng thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc. "Điểm khác biệt ở Trung Quốc là sương mù tại đây hình thành từ những hạt nano nhỏ hơn nhiều và quá trình tạo ra sulfate chỉ xảy ra khi có chất ammonia để trung hòa các hạt" - ông Zhang nói thêm.
Theo TS Zhang, khí sulfur dioxide chủ yếu được thải ra từ các nhà máy điện ở Trung Quốc. Trong khi đó, khí nitrogen dioxide xuất phát từ các phương tiện giao thông, nhà máy điện, còn chất ammonia có nguồn gốc từ phân bón và phương tiện giao thông.
"Một lần nữa, các quá trình hóa học thích hợp phải tương tác lẫn nhau để tạo ra màn sương mù chết người ở Trung Quốc. Điểm đáng chú ý là trong khi sương mù năm 1952 ở London có tính acid cao thì sương mù ở Trung Quốc lại ở trạng thái trung tính" - TS Zhang kết luận.
Theo Bảo Hạnh (Nld.com.vn)