Ngay khi Nhà máy Zelenodolsk hạ thủy chiếc tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 thứ 4, trên một số diễn đàn quân sự có ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ đặt mua bản quyền tự đóng 4 tàu loại này.
Hạ thủy tàu thứ 4, Zelenodolsk đánh tiếng ưu ái Việt Nam
Ngày 26/05 vừa qua, Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã hạ thủy chiếc tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 thứ tư theo hợp đồng đã ký với Việt Nam năm 2013.
Sự kiện này đánh dấu việc kết thúc một hành trình dài đầy gian nan và trắc trở đối với cặp tàu thứ 2 (chiếc số 3 và 4) của Hải quân Việt Nam.
Có được thành công này là nhờ nỗ lực cao nhất của cả hai phía Nga và Việt Nam, trong đó, các cán bộ, kỹ sư của Zelonodolsk thần tốc hoàn thành "biểu tượng" của "Tình hữu nghị giữa các dân tộc - nền tảng của sự hợp tác đôi bên cùng có lợi" đúng như khẩu hiệu được viết bằng tiếng Nga và tiếng Việt trên phông nền (Backdrop) của buổi lễ hạ thủy.
"Tình hữu nghị giữa các dân tộc - nền tảng của sự hợp tác đôi bên cùng có lợi" |
Với Việt Nam, phía Nga, mà cụ thể ở đây là Tập đoàn Xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport và Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk, cam kết sẽ dành những điều kiện thuận lợi hơn nữa, nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ bạn hàng truyền thống vốn đang hết sức tốt đẹp.
Việt Nam muốn gì được nấy! Đó là lời khẳng định của ông Viktor Komarov - Phó GĐ phụ trách lĩnh vực hải quân của Rosoboronexport:
"Chúng ta đã cùng nhau sát cánh thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, vì vậy, tôi muốn đảm bảo với các vị khách quý đến từ Việt Nam rằng: Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng tiếp tục hợp tác. Chúng tôi có tất cả mọi thứ cần thiết: chúng tôi có năng lực, chúng tôi có tiềm năng. Tôi muốn đảm bảo với bạn rằng cặp tàu thứ 3 sẽ còn tốt hơn, mạnh hơn nữa".
Quả vậy, ông Komarov không nói suông, minh chứng bằng chính tiến độ hoàn thành cặp tàu thứ 2, và cho dù Zelenodolsk đang "ngập" trong các đơn hàng đóng mới cùng lúc nhiều tàu cho Hải quân Nga, thì họ vẫn sẵn sàng ưu tiên mọi nguồn lực về nhà xưởng, về con người để thực hiện hợp đồng đóng cặp Gepard-3.9 thứ 3 cho Hải quân Việt Nam.
Cặp tàu Gepard-3.9 của Hải quân Việt Nam vừa được Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk hạ thủy. |
Giải mã tin đồn Việt Nam mua bản quyền tự đóng 4 tàu Gepard-3.9
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, Gepard-3.9 và các biển thể hiện đại hóa của nó xứng đáng là xương sống của Hải quân Việt Nam, đủ sức đương đầu với các tàu chiến cỡ lớn, hiện đại của đối phương trên biển.
Ngay khi vừa hạ thủy chiếc tàu thứ 4, trên các diễn đàn quân sự trong và ngoài nước lập tức có tin đồn Việt Nam sẽ đặt đóng thêm 2 tàu với thiết kế cải tiến đồng thời mua bản quyền để tự đóng thêm chừng 4 tàu Gepard-3.9 ở trong nước.
Tin đồn này phần nào đã được giải đáp khi truyền thông Nga đưa tin từ những lãnh đạo cấp cao của Nga về việc Việt Nam gần như chắc chắn sẽ đặt mua cặp tàu thứ 3 (chiếc số 5 và 6) và bản thiết kế mới đã được hoàn thiện và chuyển tới Việt Nam để đánh giá trước khi chính thức ký kết hợp đồng.
Dường như Nhà máy Đóng tàu Zelonodolsk vẫn muốn cặp tàu thứ 3 sẽ được đóng tại Nga nhằm tận dụng được tối đa những ưu thế về công nghệ, con người sẵn có, vốn đang hừng hừng khí thế khi hoàn thành nhanh chóng 2 con tàu vừa hạ thủy.
Rồi đây, những con tàu hiện đại như thế này sẽ được đóng ở Việt Nam? |
Khả năng này rất cao, bởi lẽ nhu cầu của Hải quân Việt Nam đối với các tàu tên lửa cỡ lớn đang ngày càng cấp thiết. Do vậy, có tin cho rằng công tác đàm phán giữa hai bên đã được tiến hành, chỉ còn chờ ký kết chính thức nữa mà thôi.
Trong khi đó, kể cả Việt Nam có muốn đóng tàu ngay ở trong nước cũng vô kế khả thi, bởi lẽ đến nay, Việt Nam chưa có cơ sở đóng tàu quân sự nào đủ sức triển khai thi công những con tàu tên lửa cỡ lớn choán nước tới trên 2.000 tấn với vũ khí trang bị tối tân.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu Ba Son mới đang được triển khai, nhưng nhanh nhất thì phải đến tận 2018 hoặc thậm chí 2019 mới chính thức đi vào sản xuất. Đây là cơ sở đóng tàu hiện đại được định hướng xây dựng để đóng các tàu quân sự cỡ lớn có choán nước trên 2.000 tấn với xuất xứ thiết kế chủ yếu từ Nga.
Do vậy, sẽ là hoàn toàn hợp lý và logic khi ít nhất 1 hoặc cả 2 tàu Gepard tiếp theo sẽ được đóng ở Nga, đồng thời cử cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật Việt Nam tham gia quá trình thi công tàu tại nước bạn để học tập kinh nghiệm, tiếp thu quy trình đóng mới lớp tàu hiện đại này nhằm sẵn sàng cho bước phát triển lớn hơn là đóng chính những con tàu ấy tại quê nhà.
Tàu Gepard-3.9 thứ 4 của Việt Nam vừa được hạ thủy. |
Với việc phía Nga sẵn sàng trang bị cho các tàu Gepard-3.9 tiếp theo những vũ khí mới, tối tân nhất như tên lửa Kalibr có khả năng diệt hạm và đánh đất, cùng các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung, chắc chắn sẽ biến chúng trở thành tàu hộ vệ tên lửa đa năng mạnh nhất khu vực, vượt xa so với các tàu tàng hình Meko-A200, Sigma, Formidble,... của Hải quân các nước trong khu vực.
Việc Việt Nam mua thêm nhiều tàu Gepard dù không được xác nhận chính thức, nhưng xét trên nhiều khía cạnh, tin đồn ấy không phải không có lý.
Chắc hẳn hầu hết bạn đọc yêu Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có Quân chủng Hải quân đều mong mỏi có những bước đột phá mới bằng những con tàu hộ vệ tên lửa hiện đại như Gepard "Made in Vietnam", nhanh chóng được hoàn thành ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc.