Điều kinh hoàng gì đã dẫn đến cái chết của 9 nhà leo núi trong chuyến thám hiểm định mệnh ở dãy núi Ural (Nga) vào năm 1959, đã khiến họ phải rạch lều thoát ra ngoài ngay giữa đêm khuya lạnh giá?
Đến nay, thảm kịch đèo Dyatlov là một trong những vụ án bí ẩn nhất nước Nga cũng như thế giới. Tên của thảm kịch này được lấy từ tên người dẫn đầu nhóm đi bộ leo núi đường dài xấu số là Igor Dyatlov.
Theo New York Times, khi người ta tìm thấy thi thể của 9 người đi bộ leo núi đường dài có kinh nghiệm trong một con đường đèo xuyên núi Ural Mountains vào cuối tháng 2/1959, không ai có thể giải thích được cái chết kỳ lạ của họ. Một số thi thể không mang giày, thậm chí gần như khỏa thân, nằm cách xa lều của họ dưới cái lạnh âm độ.
Thảm kịch bắt đầu vào ngày 27/1/1959, khi 10 sinh viên Học viện Bách khoa Ural do Igor Dyatlov (23 tuổi) dẫn đầu thực hiện chuyến leo núi 14 ngày trên núi Otorten ở tỉnh Sverdlovsk (Liên Xô cũ). Lộ trình này được xếp vào cấp độ III, tức cấp độ khó khăn nhất với nhiệt độ âm 30 độ C.
Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, một thành viên trong nhóm leo núi đột nhiên ốm nên quay trở lại. Theo đó, nhóm leo núi gồm 9 người (gồm 7 nam và 2 nữ) tiếp tục hành trình đã lên kế hoạch từ trước.
Đến ngày đã định, 9 người trong nhóm leo núi vẫn chưa quay về nên đội cứu nạn lên đường tìm kiếm. Ngày 26/2/1959, họ tìm thấy lều của nhóm bị hư hại nặng trên dốc núi Kholat Syakhl (nghĩa là "Ngọn núi tử thần") cách núi Otorten 20km. Vật dụng vẫn còn nguyên.
Trong lều, họ tìm thấy một số đồ dùng cá nhân bao gồm 1 bình rượu vodka, 1 tấm bản đồ và 1 đĩa Salo (mỡ lợn trắng), tất cả dường như bị bỏ lại mà không định trước.
Trong vòng vài tháng tiếp theo, toán cứu hộ đã tìm thấy xác 9 nạn nhân. Theo BBC News, 2 người đàn ông trong số các nạn nhân được tìm thấy đi chân trần và chỉ mặc độc quần lót. Phần lớn các nạn nhân đã chết vì bị hạ thân nhiệt, nhưng cũng có 4 người đã trải qua những chấn thương khủng khiếp (và không thể giải thích được khi đó), gồm nứt sọ, gãy xương sườn và một cú húc vào đầu.
Thậm chí, một nạn nhân nữ trạc tuổi 20 tên là Lyudmila Dubinina thì bị văng cả nhãn cầu, còn một thi thể khác bị mất lưỡi.
Sau 3 tháng điều tra, cơ quan điều tra Liên Xô cũ kết luận "một lực rất mạnh" không rõ nguồn gốc đã dẫn đến cái chết của nhóm leo núi. Giới chức trách cũng chính thức công bố hồ sơ vụ án trên là hồ sơ mật và chỉ cho phép số ít cơ quan chức năng tiếp cận nó.
Điều này khiến công chúng càng tò mò hơn về những diễn biến xảy ra trong thảm kịch đèo Dyatlov. Do không còn ai sống sót, thảm kịch này vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn. Nhiều giả thiết cho rằng nhóm leo núi bị người tuyết hay người ngoài hành tinh tấn công hoặc họ là nạn nhân của một vụ thí nghiệm quân sự bí mật nào đó.
Năm 1990, một cựu điều tra viên từng tham gia vào vụ án Dyatlov đã công bố giả định của mình. Ông nghi ngờ về một loại tia lửa nhiệt hoặc một loại năng lượng mạnh nhưng hoàn toàn chưa được biết đến lúc bấy giờ.
Năm 2019, tròn 60 năm sau khi vụ việc xảy ra, chính phủ Nga đã mở cuộc tái điều tra vụ án và cho rằng nguyên nhân là một vụ lở tuyết. Tuy nhiên, nhiều người không cảm thấy thuyết phục trước câu trả lời này.
Tháng 7/2020, các nhà điều tra Nga đã đưa ra một đề xuất, và từ đây đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về thảm kịch thương tâm này như sau:
Khu vực sườn núi phía tây Kholat - Syakhl luôn bị coi là vùng nguy hiểm khi thường xuyên xảy ra lở tuyết. Vào đêm 1 rạng sáng ngày 2/2/1959, đoàn thám hiểm đã bị đánh thức bởi tiếng động lớn, và họ cho rằng là do lở tuyết nên đã vội vã xé lều bỏ chạy ra ngoài.
Lạc trong bóng đêm giữa cơn bão tuyết khắc nghiệt, và tầm nhìn dưới 15m, 5 người đã chết cóng vì hạ thân nhiệt khi họ cố gắng tìm đường quay trở lại lều. 4 người còn lại đã quay trở lại lều, mặc thêm quần áo và đi tìm đồng đội. Họ đã đi về hướng bìa rừng, và chết gục tại đó.
Tuy nhiên, giả thuyết lở tuyết đã bị bác bỏ vì các điều tra viên cho rằng tuyết sẽ phủ lấp hết dấu chân chứ không để lại bằng chứng quanh lều. Ngoài ra, sạt lở tuyết không gây ra những vết thương chí mạng cho 4 thành viên trong đoàn như vậy.
Cuồng phong Katabatic là “thủ phạm”?
Giả thuyết cuồng phong Katabatic, một dạng phễu không khí chuyển động nhanh do lực đẩy đã kéo các phiến tuyết rắn chắc trên đỉnh núi lao xuống khu lều của đoàn thám hiểm được cho là thủ phạm gây ra thảm kịch.
Những phiến tuyết rắn chắc có thể đã trượt xuống lều trại nơi các nạn nhân đang ngủ, đè lên người họ và gây nên những tổn thương chí mạng bên trong cơ thể vốn không thể do tuyết lở gây ra.
Những phiến tuyết này phải cực kỳ cứng và di chuyển với tốc độ khá nhanh thì mới gây nên những vết thương khủng khiếp như vậy.
Và có thể 9 thành viên đã quyết định rời sườn núi đi về hướng bìa rừng, và cũng là nơi an toàn nhất khi lở tuyết xảy ra. Họ đã dìu những người bị thương và không ai bị bỏ lại. Nhưng tất cả đã phải đầu hàng trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Dù vậy, đây cũng vẫn chỉ là giả thuyết bởi chưa có kết luận cuối cùng.
Trong tất cả chuỗi sự kiện bi thảm trên, sự cố đèo Dyatlov được đặt tên nhằm tưởng nhớ người trưởng nhóm Igor Dyatlov - là câu chuyện tuyệt vời về lòng dũng cảm và tình bạn khi con người đối mặt với sự cuồng nộ của thiên nhiên.
Biên Thùy (SHTT)