Giải mã những bức ảnh được coi là bằng chứng 'du hành thời gian' rõ ràng nhất
16/05/2023 13:36:38
Những bức ảnh tưởng chừng bình thường nhưng có nhiều chi tiết đáng kinh ngạc khiến nhiều người phải đặt câu hỏi liệu "du hành xuyên thời gian" có thật hay không.
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc cho rằng họ đã tìm thấy một cái đồng hồ nhỏ được thiết kế một cách hoàn chỉnh khi họ mở một cỗ quan tài lớn ước tính niên đại 400 năm từ một hầm mộ ở huyện Thượng Tứ, tỉnh Quảng Tây hồi tháng 12/2008. Họ bị sốc khi thấy chiếc đồng hồ dừng lại ở thời điểm 10 giờ 06 phút với dòng chữ “Thụy Sĩ” khắc phía sau.
Mới nhìn qua, bức ảnh đen trắng trên trang chủ Bảo tàng hình ảnh ảo Canada không có gì đặc biệt. Bức ảnh được cho là chụp vào đầu những năm 1940 vào dịp khánh thành cầu South Fork ở vùng Gold Bridge, tỉnh British Colombia.
Nhìn kỹ hơn, một thanh niên nổi bật trong đám đông bởi quần áo rất hiện đại, bao gồm kính râm và áo phông có logo lớn theo phong cách mới mẻ. Bức ảnh từng được cho là bằng chứng về khả năng “du hành thời gian”, do người ở thời điểm đó không có phong cách ăn mặc như vậy. Nhưng các nghiên cứu sau đó kết luận rằng quần áo của người đàn ông này thực ra không quá đặc biệt như nhiều người nghĩ.
Kính râm đã được ưa chuộng những năm 1920, 20 năm trước khi bức ảnh được chụp. Chiếc áo phông giống phong cách hiện đại có thể là rất bình thường vào thời ấy, nhất là với những người đam mê thể thao. Thậm chí, giới nghiên cứu cho rằng chiếc áo rất giống với áo đấu của đội khúc côn cầu trên băng Montreal Maroons vốn rất nổi tiếng thời đó.
Tháng 10/2010, một video YouTube đã thu hút sự chú ý của dân mạng khi tự nhận trưng ra bằng chứng về du hành xuyên thời gian. George Clarke ở Bắc Ireland là người đã đăng video lên mạng, với tựa đề “Người du hành vượt thời gian từ thời Chaplin”. Video được trích từ một bộ phim của Charlie Chaplin, “The Circus” với nhiều cảnh quay trước đó chưa công bố
Bản DVD bộ phim bao một đoạn quay ở buổi công chiếu bộtại Grauman’s Chinese Theatre, thành phố Los Angeles, năm 1928. Một người phụ nữ bước qua, tay cầm một vật áp vào tai. Clarke cho rằng bà này đang nói chuyện qua điện thoại di động. Nhưng Nicholas Jackson, trợ lý biên tập ở tạp chí The Atlantic, sau đó khẳng định có thể đó chỉ là một thiết bị trợ thính.
3 năm sau, trong một video đăng tải năm 2013 và được cho là ghi hình năm 1938, lại xuất hiện một phụ nữ có vẻ đang sử dụng thiết bị giống điện thoại di động. Đoạn phim đen trắng chiếu cảnh một nhóm các công nhân nhà máy trẻ tuổi bước ra khỏi một tòa nhà và một phụ nữ tóc nâu, mặc váy màu sáng, cười về phía máy quay, tay cầm một thiết bị gì đó giống như một chiếc điện thoại di động lớn.
Một phụ nữ sau đó xuất hiện trước truyền thông, tuyên bố là cháu của người phụ nữ trong đoạn phim, cho biết tên bà của mình là Gertrude Jones và cho biết lúc đó bà 17 tuổi. “Tôi nhớ mình đã hỏi bà về chuyện này và bà nói khá rõ ràng”, người phụ nữ kể. “Bà nói công ty của bà lúc đó đang thử nghiệm các điện thoại không dây. Bà và năm người nữa được đưa điện thoại để thử nghiệm một tuần. Bà đang nói chuyện với các nhà nghiên cứu cầm một chiếc điện thoại không dây khác ngay bên phải bà”.
Đan Anh (SHTT)