Giải mã âm mưu ám sát Stalin, Roosevelt, Churchill: 'Đòn tiểu nhân' của Đức quốc xã nhằm 'viết lại' lịch sử thế giới?

10/12/2019 10:24:10

Khi bị dồn vào chân tường, Đức quốc xã đã quyết định tiến hành âm mưu động trời, đó là ám sát 3 nhà lãnh đạo Stalin (Liên Xô), Roosevelt (Mỹ) và Churchill (Anh) cùng một lúc. Tuy nhiên kế hoạch này đã bị tình báo Liên Xô ngăn chặn.

Giải mã âm mưu ám sát Stalin, Roosevelt, Churchill: 'Đòn tiểu nhân' của Đức quốc xã nhằm 'viết lại' lịch sử thế giới?
Otto Skorzeny được giao nhiệm vụ chỉ đạo kế hoạch ám sát ba nhà lãnh đạo phe Đồng minh.

Giữa năm 1943, cuộc chiến đã chuyển biến theo hướng có lợi cho liên minh chống phát xít. Quân Đức chịu thất bại nặng nề tại Stalingrad và Kursk, trong khi quân Nhật bị đánh tan tác trong các trận chiến ở Midway và Guadalcanal. Các thế lực của phe Trục hiểu bản thân đang bị dồn đến chân tường.

Không thể đảo ngược tình thế thảm khốc, Đức quốc xã đã chọn một chiến lược khác – tung đòn chí mạng với cả ba đối thủ chính trong một lần ra tay. Theo đó, quân phát xít quyết định ám sát toàn bộ lãnh đạo Liên Xô, Anh và Mỹ.

Tình báo Đức ở Iran

Ý tưởng này được hình thành sau khi tình báo Đức giải mã được tài liệu mật của hải quân Mỹ vào tháng 9/1943 và biết được các nhà lãnh đạo Stalin (Liên Xô), Roosevelt (Mỹ) và Churchill (Anh) sẽ tổ chức một hội nghị ở Tehran vào tháng sau (theo các nguồn tin khác, vụ rò rỉ xảy ra tại Đại sứ quán Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ ). Người Đức không thể bỏ lỡ một cơ hội trời cho như vậy.

Khoảng cách xa xôi đến Iran không phải là vấn đề bận tâm, vì đất nước này là lãnh thổ quen thuộc với người Đức. Vào những năm 1930, Đức đã thiết lập một mạng lưới điệp viên rộng khắp tại đây. 

Chính quyền Iran trước đó cũng có quan hệ thân thiết với Đức quốc xã cho đến trước thời điểm Đức tấn công Liên Xô. Tháng 8/1941, quân đội Liên Xô và Anh tiến vào Iran, tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực ôn hòa và đảm bảo rằng nước này sẽ gia nhập liên minh chống Hitler.

Chỉ trong vòng một đêm, Tehran đã trở thành người của phe Đồng minh và Berlin thành kẻ thù, ít nhất là về mặt chính thức. Mạng lưới gián điệp Đức mặc dù đã ngừng hoạt động nhưng không hề rời khỏi đất nước này. Sau khi chuyển sang hoạt động ngầm, lực lượng này trỗi dậy vào đêm trước Hội nghị Tehran, khi Hitler tiến hành Chiến dịch Bước nhảy vọt.

Hành động

Chiến dịch ám sát ba nhà lãnh đạo thế giới được đặt giao cho trung tá SS của Đức là Otto Skorzeny, tay chỉ huy khét tiếng từng lãnh đạo chiến dịch giải thoát cho Mussolini.

Theo kế hoạch, các đơn vị quấy phá của Đức đổ bộ vào Iran sẽ xâm nhập vào Tehran, hòa lẫn với đám đông và tiến hành cuộc phục kích. Vào thời đó, những gương mặt châu Âu không gây chú ý với người dân Thủ đô Iran, vì thành phố này có rất nhiều người tị nạn từ châu Âu đến đây do chiến tranh tàn phá.

“Những người châu Âu tại đây thường ăn mặc chỉnh tề, lái những chiếc limousine sang trọng hoặc đơn giản là đi bộ trên vỉa hè. Họ là những người tị nạn giàu có từ các nước châu Âu và có cuộc sống khá thoải mái tại Tehran. Tất nhiên, có những đặc vụ phát xít trong đám đông này”, Vladimir Tikhomolov, phi công lái máy bay chở nhà lãnh đạo Stalin tới Iran nhớ lại.

Giải mã âm mưu ám sát Stalin, Roosevelt, Churchill: 'Đòn tiểu nhân' của Đức quốc xã nhằm 'viết lại' lịch sử thế giới? - 1
Đặc vụ Nikolai Kuznetsov của Liên Xô là người nắm được thông tin về kế hoạch ám sát.

Người Đức biết rằng trong khi các phái đoàn ngoại giao của Anh và Liên Xô ở gần nhau, đại sứ quán Mỹ lại chọn cho mình ở ngoài ngoại ô thành phố. Với hành trình đi qua những con đường hẹp ở Tehran nhiều lần trong ngày để đến các cuộc họp, Tổng thống Roosevelt trở thành mục tiêu ám sát chính, và trong trường hợp may mắn có thể tiến hành bắt sống.

Nhóm ám sát đầu tiên bao gồm sáu đặc vụ, trong đó có hai điệp viên liên lạc, đã nhảy dù ở gần Qum, cách thủ đô Iran 70 km. Sau khi xâm nhập vào Tehran, nhiệm vụ của cặp đôi này là thiết lập liên lạc vô tuyến với Berlin và chuẩn bị đường đi cho các nhóm tiếp theo. Trong vòng hai tuần, nhóm ám sát đã tìm đường đến một ngôi nhà an toàn được sắp đặt trước bởi các đặc vụ nằm vùng.

Ngăn chặn

Tuy nhiên, tình báo Liên Xô cũng không hề án binh bất động. Chẳng bao lâu, nhà lãnh đạo Stalin nhận được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau về âm mưu ám sát các nhà lãnh đạo Đồng minh.

Nguồn tin chính là đặc vụ Nikolai Kuznetsov. Kuznetsov nói tiếng Đức đủ tốt để đóng giả thành Trung úy Paul Siebert. Ở thành phố Rivne thuộc miền Tây Ukraine, đặc vụ này đã kết bạn với Trung tá SS Hans Ulrich von Ortel, kẻ trong một lần uống rượu đã làm lộ kế hoạch ám sát.

Nhà lãnh đạo Stalin bay tới Tehran và nắm rõ kế hoạch của Đức. Để ngăn chặn điều này, an ninh đã được tăng cường một cách cẩn trọng và các đặc vụ Đức dã bị loại bỏ khỏi thành phố.

Tổng thống Roosevelt thậm chí còn được mời ở lại Đại sứ quán Liên Xô vì lý do an ninh. Tổng thống Mỹ vui vẻ đồng ý, một phần vì chân ông bị liệt khiến việc đi lại khó khăn.

Không lâu trước khi SMERSH (tình báo phản gián của Liên Xô) phát hiện ra nhóm ám sát đầu tiên, âm mưu đã bị vô hiệu hóa ngay trước khi hội nghị bắt đầu. Hiểu rằng kế hoạch đổ bể, Berlin đành hủy bỏ nhiệm vụ. Chiến dịch Bước nhảy vọt cũng từng bước tàn lụi.

Theo Mạnh Kiên (Nguoiduatin.vn)