'Giấc mơ Mỹ' của người Trung Quốc kẹt trên đảo ở Thái Bình Dương

30/12/2017 08:41:52

Lao động Trung Quốc từng kỳ vọng về “giấc mơ Mỹ” đang kẹt trên đảo giữa biển. Họ đối mặt với nguy cơ trắng tay, nợ nần chồng chất khi chủ sử dụng lao động ôm tiền lương bỏ trốn.

Liu Guoxin, 45 tuổi, một công nhân xây dựng đến từ Trung Quốc sẽ phải trải qua đêm giao thừa đón năm 2018 trên đảo Saipan, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ông ta mong muốn trở về nhà với vợ và 2 đứa con nhưng không thể làm điều đó vì chủ sử dụng lao động nợ lương và bỏ trốn, SCMP cho biết.

Năm 2016, Liu nhận được thông báo tuyển dụng từ một công ty ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, nơi ông sinh sống. Thông báo kèm theo mức lương cực kỳ hấp dẫn, ít nhất là 2.300 USD/tháng. Lao động được cung cấp chỗ ở miễn phí với 3-4 người/phòng. Thậm chí, họ còn có cơ hội được cấp Thẻ xanh để định cư tại Mỹ.

Để đến được “Giấc mơ Mỹ” như quảng cáo, mỗi lao động sẽ phải đóng phí tuyển dụng 6.250 USD, một con số không hề nhỏ đối với phần lớn lao động phổ thông ở Trung Quốc. Liu phải mượn của họ hàng, vay nặng lãi để có đủ số tiền nộp cho nhà tuyển dụng. Liu cũng như nhiều lao động Trung Quốc khác hy vọng về cơ hội đổi đời ở “Giấc mơ Mỹ”.

Thiên đường hay địa ngục?

Ngày 14/12/2016, Liu cùng một số lao động khác đáp máy bay đến Saipan, đảo lớn nhất cũng là thủ đô của Cộng đồng Quần đảo Bắc Mariana, lãnh thổ thuộc Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Họ đến đây bằng visa du lịch và bắt đầu theo đuổi “Giấc mơ Mỹ”.

'Giấc mơ Mỹ' của người Trung Quốc kẹt trên đảo ở Thái Bình Dương
Hàng trăm lao động Trung Quốc làm việc bất hợp pháp tại công trình xây dựng casino trên đảo Saipan. Ảnh: New York Times.

Chủ sử dụng lao động đưa Liu và những công nhân khác đến đây là một công ty kỹ thuật có trụ sở ở miền Đông Trung Quốc chuyên về sản xuất rèm cửa cho các tòa nhà. Công việc của Liu và những lao động khác là lắp những khung kim loại làm giá đỡ cho cửa kính tại công trình xây dựng casino trên đảo.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi đến đây, thiên đường “Giấc mơ Mỹ” nhanh chóng trở thành “cơn ác mộng” đối với họ. “Khi đặt chân đến đây, tôi nghĩ rằng mình đã đến được nước Mỹ nhưng thực tế Saipan ở quá xa lục địa Mỹ so với những gì tôi tưởng tượng”, Liu nói với SCMP bằng cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Đó là một trò lừa đảo. Tôi thường phải làm việc tới 13 tiếng/ngày và hầu như không có ngày nghỉ. Tôi được trả 7.500 nhân dân tệ/tháng (khoảng 1.150 USD), chỉ bằng một nửa số tiền được hứa”, ông Liu nói.

Phòng ngủ ấm cúng như hứa thực tế là căn hộ bẩn thỉu với diện tích khoảng 30 m2. Chủ lao động nhét đến 20 người ngủ trên những chiếc giường tầng chật chội và chỉ có một nhà vệ sinh. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều tồi tệ nhất.

Theo New York Times, cuối tháng 3, nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kiểm tra khu vực xây dựng mà Liu đang làm việc sau khi một lao động tử vong. Một số giám sát viên và nhà thầu Trung Quốc đã bị bắt hoặc bỏ trốn, vì tuyển dụng lao động làm việc bất hợp pháp. Hàng chục lao động Trung Quốc không có giấy tờ hợp pháp bị mắc kẹt trên đảo.

9 tháng sau vụ can thiệp của FBI, Liu và hàng chục lao động Trung Quốc vẫn không thể rời Saipan. Liu nói rằng đã được trả 5.000 USD trước khi chủ sử dụng lao động biến mất nhưng vẫn còn nợ ông số tiền 11.500 USD.

Ông chủ bỏ trốn khiến nhóm lao động Trung Quốc bị mất việc làm. May mắn cho Liu và 23 người khác là một nhà thờ ở địa phương đã cho họ lưu trú và cung cấp 3 bữa ăn miễn phí mỗi ngày.

Nguy cơ trắng tay

Liu và những người khác đang đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ nhưng họ vẫn đang đấu tranh vì những khoản lương chưa được thanh toán, cũng như bồi thường chi phí tuyển dụng đắt đỏ mà họ phải trả. Rào cản về ngôn ngữ, thiếu kiến thức về pháp luật, lo sợ bị hồi hương càng tăng thêm sự lo lắng cho họ.

'Giấc mơ Mỹ' của người Trung Quốc kẹt trên đảo ở Thái Bình Dương - 1
Lao động Trung Quốc trên đảo Saipan phải ở trong những phòng trọ chật chội và bẩn thỉu. Ảnh: New York Times.

Aaron Halegua, luật sư tại Trường Luật New York, người am hiểu về cuộc đấu tranh của lao động Trung Quốc, cho biết trong trường hợp này những lao động nước ngoài rất dễ bị tổn thương. Ông cho biết thêm nỗi sợ hãi càng gia tăng bởi những khoản nợ lớn để họ đến được Saipan.

Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ từ tổ chức cho vay nặng lãi nếu bị sa thải và buộc hồi hương về Trung Quốc. Một số người đã quyết định khởi kiện đơn vị tuyển dụng để đòi công bằng. Guo Qinghui, tỉnh Sơn Đông, người đã chi 6.000 USD cho MCC International Saipan, một công ty con của Tập đoàn Luyện Kim Trung Quốc để đến làm việc tại dự án xây dựng casino trên đảo.

Tuy nhiên, khi Guo đến Saipan vào tháng 11/2016, đơn vị tuyển dụng đã cắt đứt mọi liên lạc với ông. Theo văn bản do các luật sư cung cấp, Tập đoàn Imperial Pacific International, có trụ sở tại Hong Kong, Trung Quốc, chủ đầu tư dự án casino đề nghị bồi thường cho Guo 4.000 USD nhưng ông không đồng ý.

“Nhiều người làm việc cho MCC chỉ trong 10 ngày đã nhận được bồi thường từ 7.000-8.000 USD. Một công nhân tên Wang Chunlin đã nhận được tới 25.000 USD. Chúng tôi không đòi hỏi nhiều hơn mức mà MCC đã trả cho những lao động khác”, ông Guo nói.

'Giấc mơ Mỹ' của người Trung Quốc kẹt trên đảo ở Thái Bình Dương - 2
Khoảng cách từ đảo Saipan đến bờ Tây nước Mỹ gần 10.000 km. Đồ họa: Saipanliving.

Ông Guo ngậm ngùi cho biết không thể trở về nhà trong tình cảnh trắng tay. “Những kẻ cho vay nặng lãi đang đợi chúng tôi ở nhà và chúng tôi phải tìm ra cách cho đến khi trường hợp của chúng tôi được giải quyết”, ông Guo nói.

Theo Bộ Lao động của Cộng đồng Quần đảo Bắc Mariana, lao động địa phương cũng như nước ngoài trên đảo được hưởng mức lương tối thiểu là 6,5 USD/giờ, thời gian làm việc 40 giờ/tuần. Theo Marianas Variety, tờ báo địa phương, trong tháng 4, 189 lao động Trung Quốc được hồi hương sau một thỏa thuận với Bộ Lao động Mỹ.

Nhóm thứ 2 gồm 90 người được hồi hương trong tháng 5 sau khi nhận được tiền lương chưa thanh toán, phí tuyển dụng và thiệt hại. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Một số người buộc phải trở về nhà trong tình trạng trắng tay. Số khác vẫn phải bám víu vào các công ty xây dựng đang hoạt động tại Saipan.

“Không phải chúng tôi không muốn về nhưng nếu trở về tay trắng chúng tôi không biết lấy tiền đâu để trả khoản nợ vay ở nhà”, ông Liu nói. “Giấc mơ Mỹ” đối với lao động Trung Quốc trên đảo Saipan giờ đây chỉ là mong ước được thanh toán khoản lương còn lại để trả hết số nợ vay ở nhà.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng trường hợp ở Saipan là tranh chấp lao động. Trừ phi các công nhân nộp đơn xin trợ giúp, lãnh sự quán Trung Quốc tại Saipan mới có thể can thiệp.

Theo Trung Hiếu (Tri Thức Trực Tuyến)