Do dư thừa so với nhu cầu, Quân đội Hà Lan đang rao bán các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 với đơn giá chỉ hơn 3 triệu USD/chiếc.
Leopard 2A6 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực tốt nhất thế giới, chính thức đi vào phục vụ từ năm 2001, nó là phiên bản nâng cấp từ người tiền nhiệm Leopard 2A5.
Chiếc xe tăng này được các chuyên gia quân sự đánh giá vượt trội M1 Abarms (Mỹ), Challenger 2 (Anh) và Leclerc (Pháp) ở hệ thống bảo vệ, hỏa lực và tính cơ động. Hiện Leopard 2A6 đang phục vụ trong biên chế quân đội Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hy Lạp...
|
Xe tăng Leopard 2A6 của Quân đội Đức
|
Leopard 2A6 được điều khiển bởi kíp lái 4 người: trưởng xe, pháo thủ, lái xe và nạp đạn. Xe có trọng lượng 62 tấn; chiều dài 10,97 m (pháo quay về phía trước); chiều rộng 3,7 m; chiều cao 3 m.
Động cơ diesel MTU MB-837 Ka501 công suất 1.500 mã lực cho tốc độ di chuyển tối đa 68 km/h, tầm hoạt động 500 km, leo được dốc 60%, đi trên mặt phằng nghiêng 30%, vượt vật cản cao 1,5 m; vượt hào rộng 3 m, lội nước sâu 1 m và lên tới 4 m khi mang ống thở.
Vũ khí chính của xe tăng Leopard 2A6 là pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm L55 (nòng dài gấp 55 lần đường kính) với 42 viên đạn, khẩu pháo này dài hơn loại L44 trên phiên bản 2A5, có tác dụng tăng độ chính xác và nối dài đáng kể tầm bắn.
Ngoài ra xe còn được bổ sung 2 súng máy 7,62 mm (1 khẩu đồng trục và 1 khẩu bố trí trên tháp pháo) với cơ số đạn dự trữ 4.750 viên.
Một ưu điểm khác của Leopard 2A6 là nó được trang bị giáp composite thế hệ mới kết hợp với các module giáp gắn ngoài, có thể mang cả giáp phản ứng nổ khi cần thiết.
Tiện nghi cùng hệ thống thông tin liên lạc cũng như điều hòa không khí nhằm chống lại tác nhân xạ - sinh - hóa của Leopard 2A6 cũng được nâng cấp, đem lại sự thoải mái và an toàn cao cho kíp điều khiển.
|
Leopard 2A6 có khá nhiều ưu điểm khi so sánh với T-90 |
Nếu so sánh với T-90, Leopard 2A6 được đánh giá cao hơn ở mức độ bảo vệ của vỏ giáp cũng như khả năng tác xạ chính xác khi đang hành tiến ở tốc độ cao nhờ thiết bị ngắm quang điện tử cực kỳ tối tân, kíp xe cũng có khả năng sống sót cao hơn nếu bị trúng đạn.
Ngoài ra, mặc dù trọng lượng lớn nhưng do sử dụng dải xích dài và rộng mà áp lực lên mặt đất của Leopard 2 chỉ là 223 kN/m2, trong khi T-72 là 239 kN/m2, còn T-55 là 242 kN/m2.
Nhược điểm lớn nhất của Leopard 2A6 chỉ là mức giá cao hơn T-90 nhiều lần, ước tính trên 12 triệu USD/chiếc.
Tuy nhiên các quốc gia muốn sở hữu chiếc xe tăng này lại đang đứng trước cơ hội lớn, do Hà Lan đang dư thừa đến cả trăm chiếc, nên họ muốn bán thanh lý để lấy kinh phí mua sắm phiên bản Leopard 2A7+ tối tân hơn.
Canada đã nhanh chân mua lại 20 chiếc Leopard 2A6 từ Hà Lan, chúng được chuyển giao trong năm 2007. Bồ Đào Nha cũng mua 37 chiếc Leopard 2A6, hợp đồng ký năm 2007, chuyển giao vào năm 2008.
Hồi năm 2012, Hà Lan cũng chào bán cho Indonesia 80 xe tăng Leopard 2A6 đã qua sử dụng với giá 250 triệu USD, tức là chỉ 3,125 triệu USD/chiếc, rẻ hơn rất nhiều con số 4 triệu USD của T-90S.
Trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, khi vẫn đang ưu tiên hơn cho Hải quân cùng Phòng không - Không quân, ngân sách dành cho hiện đại hóa Lục quân chắc chắn sẽ không dồi dào.
Nhìn sang "hàng xóm", 2 quốc gia khác trong khu vực ASEAN là Indonesia và Singapore đều mua lại phiên bản Leopard 2A4 đã qua sử dụng, bất chấp việc họ dư dả tài chính hơn chúng ta, do vũ khí Đức vốn nổi tiếng có độ bền cao và chất lượng luôn được đảm bảo.
Nếu "chốt" Leopard 2A6, Việt Nam sẽ có ngay số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại với chi phí hợp lý, đây là điều nên được tính tới bởi hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hà Lan đang ở trong tình trạng tốt, chắc chắn bạn sẽ đồng ý bán nếu chúng ta quan tâm.
Theo Bạch Dương (Thegioitre.vn/Infonet.vn)