Theo Reuters, Myanmar phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu xăng và dầu diesel do các nhà máy lọc dầu của nước này quá nhỏ và cũ kỹ, không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Một nguồn tin trong ngành công nghiệp năng lượng nói, các sản phẩm nhập khẩu có thể chiếm tới 98% mức tiêu thụ nhiên liệu của quốc gia Đông Nam Á này.
"Nền kinh tế gần như lâm vào bế tắc. Hầu hết các bộ thuộc chính phủ đều đóng cửa. Nguồn cung nhiên liệu sắp hết và đất nước có thể cạn kiệt dầu trong 2 tháng nữa", nguồn tin xin giấu tên tiết lộ.
Hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ ra các đường phố Myanmar để phản đối việc quân đội tiến hành đảo chính hôm 1/2, bắt giữ hàng loạt quan chức thuộc chính quyền dân sự như Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint. Một phong trào chống đối, kêu gọi mọi người không đi làm cũng làm tê liệt hoạt động của chính phủ, các doanh nghiệp và ngân hàng.
Các công ty kinh doanh xăng dầu trở nên thận trọng hơn trong việc cung cấp nhiên liệu cho Myanmar trong bối cảnh biến động kinh tế - chính trị cũng như việc đồng nội tệ bị giảm mạnh giá trị, khiến các nhà nhập khẩu bị tăng chi phí.
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, đồng kyat của Myanmar đã giảm 6,5% giá trị so với đồng đôla Mỹ kể từ đầu tháng 2. Giá xăng và dầu diesel trong nước đã tăng tới gần 1/3 trong cùng khoảng thời gian.
Hiện chưa có dấu hiệu các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính biến trên khắp Myanmar sẽ sớm chấm dứt. Nhà chức trách nước này vừa lên tiếng xác nhận trường hợp người biểu tình đầu tiên thiệt mạng khi đám đông đụng độ với cảnh sát.
Mya Thwate Thwate Khaing, 20 tuổi bị bắn vào đầu khi tham gia biểu tình ở thủ đô Naypidaw hôm 9/2. Một quan chức bệnh viện điều trị cho Mya cho biết, cô đã qua đời lúc 11h ngày 19/2 (giờ địa phương) sau 10 ngày nhập viện. Phát ngôn viên quân đội Myanmar xác nhận Mya bị bắn, đồng thời khẳng định nhà chức trách đang điều tra vụ việc.
Trước đó, quân đội Myanmar thông báo, một cảnh sát đã thiệt mạng ở thành phố Mandalay sau khi đối đầu với người biểu tình hôm 14/2.
Theo Tuấn Anh (Vietnamnet)