'Giá lớn phải trả': Đằng sau quyết định tấn công Syria của Trump

15/04/2018 16:26:46

Dù tổng thống Mỹ hoan hỉ trước đợt tấn công Syria, một số cố vấn thân cận của ông Trump nói không dấu hiệu nào cho thấy có một chiến lược dài hạn cho tình hình khu vực.

Tối muộn ngày 7/4, từ thời điểm Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly thông báo rằng hàng chục người trong một khu ngoại ô ở Damascus chết ngạt và sùi bọt mép nghi do một cuộc tấn công bằng khí độc mới, Tổng thống Trump đã quyết sẽ tấn công Syria.

Đối với ông, câu hỏi duy nhất là tấn công như thế nào.

Đó là sự thay đổi đột ngột của vị tổng thống chỉ vài ngày trước tại một sự kiện ở Ohio còn tuyên bố muốn rút quân đội Mỹ khỏi cuộc chiến tranh không thể cứu vãn ở Syria. "Giờ hãy để người khác lo việc đó", ông nói.

Tuy nhiên, những hình ảnh về hành động tàn bạo đã ám ảnh Trump, các quan chức Nhà Trắng cho biết. Và tổng thống bắt đầu 6 ngày căng thẳng với những cuộc họp cùng nhóm cố vấn an ninh quốc gia mới được tổ chức lại, cũng như các đồng minh Pháp và Anh, về những lựa chọn quân sự để trả đũa "thủ phạm" mà ông từng chế giễu là "Assad thú vật".

Kết quả là 105 tên lửa được trút xuống "ba cơ sở vũ khí hoá học" của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào đêm 13/4. Buổi sáng sau đó, Trump chia sẻ trên Twitter: "Nhiệm vụ hoàn thành!"

Ngay cả khi ông Trump phản ứng hoan hỉ trước cuộc tấn công, một số cố vấn thân cận tổng thống cho hay không có dấu hiệu nào cho thấy có một chiến lược dài hạn cho khu vực.

'Giá lớn phải trả': Đằng sau quyết định tấn công Syria của Trump
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân trong cuộc họp báo hôm 13/4. Ảnh: AP.

Thời điểm nhạy cảm của Trump

Cuộc tấn công bằng tên lửa đến vào thời điểm nhạy cảm. Vị tổng tư lệnh tuần qua bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng pháp lý và cá nhân, khiến ông tức giận và đôi khi dường như bị phân tâm khỏi kế hoạch chiến tranh.

Luật sư riêng của Trump, Michael Cohen bị kiện trong khi cựu giám đốc FBI bị sa thải James B. Comey thì mới ra hồi ký. Cuốn sách vẽ nên chân dung không mấy đẹp đẽ về cách hành xử và tính tình của tổng thống, và một quan chức cấp cao cho hay Trump đã can thiệp vào việc soạn bản thông cáo chỉ trích Comey hôm 13/4.

Cuộc tấn công Syria hôm 13/4 "nhẹ nhàng" hơn những gì mà Trump gợi lên trong những tweet hiếu chiến ngay trước đó. Hôm 8/4, ông cảnh báo Assad và những người ủng hộ chính phủ của tổng thống Syria là Nga và Iran rằng "cái giá phải trả sẽ lớn". Ngày 12/4, ông viết rằng tên lửa "sẽ được phóng, đẹp, mới và 'thông minh!'".

Tuy nhiên, trong những lần họp kín về an ninh quốc gia, giọng điệu các quan chức cấp cao rất rõ ràng. Lơ lửng giữa các cuộc tranh luận là mối lo ngại một cuộc tấn công của Mỹ vào Syria có thể gây ra xung đột với Nga, quốc gia đã đe dọa trả đũa.

Sự thiếu vắng một chiến lược rõ ràng cho vấn đề Syria khiến các cuộc thảo luận trở nên phức tạp. Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã cam kết không can thiệp và sẽ rút khỏi mớ bòng bong ở Trung Đông mà theo ông đã gây thất thoát nhân lực cũng như tiền của của nước Mỹ.

Đối với đội ngũ an ninh quốc gia của Trump, hành động như vậy lại được xem là điều phải làm, bởi Trump đã chế nhạo người tiền nhiệm Barack Obama về việc không thực thi những hành động quân sự từng thảo luận.

Theo các quan chức Nhà Trắng, Trump nhấn mạnh rằng cuộc tấn công sẽ gây thiệt hại cho sản xuất vũ khí hoá học ở Syria, và qua đó hy vọng sẽ ngăn chặn al-Assad tấn công người dân nước này. Ông muốn cuộc tấn công này gây nhiều thiệt hại hơn đợt không kích năm 2017 vào một sân bay Syria mà lực lượng của al-Assad nhanh chóng tu sửa lại. 

"Mục đích hành động của chúng ta tối nay là thiết lập một sự ngăn chặn mạnh mẽ đối với việc sản xuất, phổ biến và sử dụng vũ khí hoá học", tổng thống Mỹ phát biểu tối 13/4.

Ông Trump cũng bày tỏ lo ngại việc tên lửa của Mỹ làm hại dân thường. Theo các quan chức, ông chủ Nhà Trắng đã tìm kiếm sự đảm bảo rằng việc tấn công các cơ sở vũ khí hóa học sẽ không khiến những người dân sống gần đó bị thương hoặc thiệt mạng.

Hôm 14/4, các quan chức quân đội cho biết họ tin rằng không ai, thậm chí cả nhân viên chính phủ Syria, thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào các cơ sở không người ở vào lúc nửa đêm.

'Giá lớn phải trả': Đằng sau quyết định tấn công Syria của Trump - 1
Cuộc tấn công của liên minh Mỹ, Anh, Pháp vào Syria diễn ra đêm 13/4. Ảnh: Reuters.

Khẩn trương nhưng thận trọng

Dù nhiều phương án mạnh tay khác cũng nằm trong diện thảo luận, kế hoạch cuối cùng mà ông Trump thông qua lại là phương án được thiết kế nhằm giảm thiểu rủi ro cho quân đội Mỹ và đồng minh, đồng thời giảm leo thang căng thẳng không mong muốn.

Nhiều quan chức an ninh đã thúc giục tổng thống triệt để hơn nữa trong việc ngăn cản al-Assad, từ bỏ kế hoạch rút quân khỏi Syria. "Tôi lo ngại rằng khi mọi việc lắng xuống, cuộc tẫn công này sẽ chỉ được xem là một phản ứng quân sự yếu ớt và Assad sẽ chỉ phải trả một cái giá nhỏ cho việc sử dụng vũ khí hóa học", Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham nói.

Các quan chức cho biết Trump có tính thiếu kiên nhẫn và muốn quân đội hành động nhanh chóng, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã chỉ đạo một tiến trình thận trọng hơn.

Mattis và Dunford chỉ rõ cho Trump những rủi ro liên quan đến hoạt động ở Syria, bao gồm cả khả năng leo thang với Nga và Iran, hoặc một sự kiện không mong muốn có thể lôi Mỹ sâu hơn nữa vào cuộc chiến tại đất nước Tây Á.

Các nhà lãnh đạo quân đội đã tính rằng hành động trả đũa từ phía Syria hoặc các đồng minh của họ có thể xảy ra ngay lập tức hoặc theo một cách khó phát hiện hơn, giống như các cuộc tấn công kiểu nổi dậy mà các lực lượng Mỹ đã phải đối mặt từ các nhóm dân quân ủng hộ Iran trong Chiến tranh Iraq.

Dù Trump đang ráo riết trừng phạt chế độ Assad, tổng thống vẫn cho Mattis và các lãnh đạo quân đội của ông vài ngày để điều phối một cuộc tấn công liên minh với Pháp và Anh, mà Lầu Năm Góc cho rằng sẽ cần có thao diễn hải quân và điều phối mục tiêu giữa ba quốc gia. Các quan chức quân đội cũng cho biết họ cần thời gian để xác định đúng mục tiêu tấn công.

Bị phân tâm bởi nhiều vụ việc và lịch trình hoạt động, ý nghĩ về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vẫn luôn trong đầu Trump. Tuyên bố rõ ràng về một cuộc tấn công tên lửa của Trump đã khiến các nhà lãnh đạo quân đội ngạc nhiên và lúng túng.

Các quan chức cho hay mặc dù các cuộc đàm phán về chiến lược đang diễn ra theo hướng hành động quân sự, nhưng không có quyết định liệu có nên tấn công Syria hay không. Chỉ tới hôm 12/4 các nhà lãnh đạo quân sự mới đưa lên tổng thống những lựa chọn cuối cùng về các mục tiêu tấn công.

Các quan chức quân đội xác định vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học hôm 7/4 nghiêm trọng hơn các vụ việc quy mô nhỏ khác mà các nhà hoạt động và nhân viên y tế người Syria báo cáo trong những tháng gần đây. Sau vài giờ theo dõi vụ việc tại Douma qua các phương tiện truyền thông, các quan chức quân đội đã báo cáo lên cấp trên của họ và trong một thời gian ngắn sau bắt đầu đưa các giải pháp tấn công cho Trump.

Tại Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ ở Tampa, các quan chức bỏ hết các kịch bản trước đó và thảo luận về những hành động có thể được thực hiện. Tại Washington, Mattis và các quan chức cao cấp khác cũng bàn về một cuộc tấn công có thể xảy ra với Nhà Trắng. Và khi Trump đăng tải nhiều thông điệp cấp bách hơn trên Twitter, tốc độ lên kế hoạch của Lầu Năm Góc cũng tăng dần.

Khi chuẩn bị bắt đầu cuộc tấn công, các biện pháp an ninh cho quân đội Mỹ trên khắp Trung Đông được tăng cường, lực lượng khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ tại Syria được đặt trong tình trạng báo động cao.

Sau nhiều ngày từ chối khẳng định chính phủ Assad chịu trách nhiệm về vụ tấn công Douma, Mattis nói rằng ông chưa thấy đủ bằng chứng cho thấy chính phủ Syria chịu trách nhiệm cho đến hôm 5/4.

Nhưng cấp trên của ông không chia sẻ sự e ngại đó. Ngay cả trước khi cuộc họp tình báo đầy đủ về vụ việc được chuẩn bị, Trump sáng 8/4 đã viết trên Twitter: "Nhiều người đã chết, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, trong cuộc tấn công hóa học thiếu suy nghĩ ở Syria", Trump viết. "Tổng thống Putin, Nga và Iran chịu trách nhiệm hậu thuẫn cho Assad. Giá lớn sẽ phải trả".

Theo Hoa Hạ (Tri Thức Trực Tuyến)