Cảnh sát Indonesia cho biết cả 6 hung thủ đánh bom liều chết tại 3 nhà thờ tại Surabaya hôm 13/5 là thành viên trong cùng một gia đình người Indonesia trở về từ Syria và có liên hệ với nhóm khủng bố thân IS.
Cảnh sát xác định "thủ lĩnh" gia đình này là Dita Priyanto, một nhân vật chỉ huy thuộc mạng lưới cực đoan địa phương Jamaah Ansharut Daulah (JAD), và vợ là Puji Kuswati.
Hai cô con gái 9 và 12 tuổi, cùng hai cậu con trai 16 và 18 tuổi của cặp đôi này cũng tham gia đánh bom liều chết.
Trong khi cả nước Indonesia còn chưa hết bàng hoàng và phẫn nộ về các vụ tấn công trên, trong ngày 14/5, một nhóm khủng bố đánh bom liều chết đã lao xe máy vào trụ sở cảnh sát cũng tại thành phố Surabaya, làm hàng chục người bị thương.
Các camera an ninh ghi lại cảnh một chiếc ôtô và hai xe gắn máy đâm vào trụ sở cảnh sát thuộc Surabaya, thành phố lớn thứ 2 của Indonesia.
Đáng chú ý, 5 đối tượng tham gia vụ tấn công này cũng thuộc một gia đình, trong đó có một bé gái mới khoảng 8 tuổi.
Các vụ khủng bố liên tiếp nói trên ở Surabaya trở thành loạt vụ tấn công đẫm máu nhất Indonesia kể từ năm 2009.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lên án kịch liệt các vụ tấn công mới, kêu gọi người dân cả nước đoàn kết chống lại các hành động hèn hạ của các nhóm khủng bố.
Các vụ tấn công vừa qua đều do thế hệ phiến quân mới đi theo tư tưởng cực đoan của nhóm IS tự xưng tiến hành, khiến nhiều ý kiến không khỏi lo ngại rằng "chân rết" của IS với lực lượng trẻ và hành động nguy hiểm hơn đang lan nhanh tại Indonesia và cả các quốc gia Đông Nam Á khác.
Thực tế không thể phủ nhận là "vòi bạch tuộc" của IS đã lan tới Đông Nam Á và đang ngày càng bám rễ sâu tại khu vực này sau khi IS bị truy quét mạnh tại Iraq và Syria.
Cùng với Indonesia, nước láng Philippines cũng thường xuyên chứng kiến những hoạt động bạo lực dữ dội của nhóm phiến quân có liên hệ với IS tại thành phố Marawi, thủ phủ tỉnh Lanao del Sur, miền Nam Philippines.
Theo báo cáo của Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol, ở Indonesia hiện có 5 nhóm khủng bố chính, gồm: Jamaah Ansharut Daulah (JAD), Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), Quân đội Kumpulan Mujahideen Malaysia (KMM), Abu Sayap Group (ASG) và Quân đội nhân dân mới (NPA).
Trong số này, đặc biệt nguy hiểm là nhóm JAD. Đây là một tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Đông Nam Á, với mục đích là nhằm thành lập một "Quốc gia Hồi giáo" tại Đông Nam Á bằng việc hợp nhất các tổ chức Hồi giáo ở Indonesia, Malaysia, miền Nam Philippines, Singapore và Brunei.
Các hoạt động bạo lực của JAD ban đầu khởi phát từ những vụ xung đột cộng đồng ở Maluku và Poso.
Từ năm 2001, khi bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố quốc tế do Mỹ phát động và đứng đầu, JAD này chuyển hướng đến các mục tiêu quyền lợi của Mỹ và phương Tây tại Indonesia nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung.
JAD đã đẩy mạnh liên kết trong viêc tuyển mộ, đào tạo, truyền bá tư tưởng, tài chính và các hoạt động khác với các nhóm khủng bố khét tiếng khác, như al-Qaeda, Abu Sayyaf, MILF, nhóm nổi loạn/ly khai Misuari (MRG/MBG) và phong trào Rajah Sulaiman (RSM) tại Philippines trong nhiều năm và tiếp tục cho đến nay.
Việc lôi kéo phụ nữ và cả trẻ em tham gia các vụ tấn công liều chết vừa qua tại Indonesia cho thấy sự nguy hiểm và tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố.
Trong tổ chức khủng bố khét tiếng nhất ở Indonesia này, phụ nữ trước đây chỉ tham gia với vai trò trung gian, tăng cường các mối quan hệ và nuôi dưỡng các chiến binh thánh chiến nhằm mở rộng lực lượng cho JAD.
Tổ chức JAD cũng dựa vào phụ nữ để gây quỹ cho cuộc thánh chiến bạo lực. Quy ước của Hồi giáo cổ điển không ủng hộ phụ nữ tham gia vai trò chiến đấu.
Tuy nhiên, với sự bành trướng của IS, phụ nữ và cả trẻ em ngày càng bị lôi kéo vào các hành động khủng bố đẫm máu.
Với mục tiêu thành lập Nhà nước Hồi giáo bằng mọi giá, IS đã mở rộng loại hình khủng bố, tuyên truyền nâng vai trò của phụ nữ và trẻ em trong tổ chức lên mức độ lớn hơn để có thể tận dụng những đối tượng vốn bị coi là yếu đuối này tham gia các nhiệm vụ đánh bom liều chết và bạo lực vũ trang.
Như vậy, thành phần trực tiếp tham gia tấn công khủng bố không những được mở rộng, mà còn khiến cho lực lượng an ninh các nước khó phát hiện và ngăn chặn kịp thời, qua đó các âm mưu khủng bố dễ được hoàn thành hơn.
Chiến thuật mới hết sức nguy hiểm này cho thấy mức độ dã man, tàn bạo không giới hạn của các tổ chức khủng bố hiện nay.
Nó cũng phản ánh thực tế các lực lượng khủng bố như IS, dù bị truy quét ác liệt ở những khu vực vốn là căn cứ địa của chúng, nhưng vẫn không từ bỏ dã tâm, không ngừng biến hóa với các chiến thuật, chiến lược mới và tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định của thế giới.
Đặc biệt, khi IS tìm cách móc nối với hàng chục tổ chức vũ trang cực đoan ở Đông Nam Á, tương tự như với JAD ở Indonesia, hình thành mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia, thì nguy cơ khủng bố không chỉ dừng lại với riêng một quốc gia, và do đó đòi hỏi có sự hợp tác ở tầm khu vực và quốc tế để cùng đối phó.
Theo Trần Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)