Gia đình của Tommy Le (ảnh phía sau) và các luật sư tuyên bố khởi kiện trong cuộc họp báo sáng qua. Ảnh: Seattlepi
SeattlePI cho hay gia đình nạn nhân Tommy Le ở thành phố Burien, quận King, bang Washington, đã đệ đơn kiện liên bang chống lại văn phòng cảnh sát trưởng quận, cựu cảnh sát trưởng John Urquhart và các sĩ quan cảnh sát khác. Họ cáo buộc cảnh sát phân biệt chủng tộc với Tommy trước khi bắn chết anh trong tình trạng không vũ trang và dựng chuyện để che giấu cho hành động này.
Theo báo cáo của văn phòng cảnh sát trưởng về vụ việc, Tommy, 20 tuổi, được cho là đã cầm dao đâm một người đàn ông trong một vụ ẩu đả vào tối 14/6/2017. Khi bị khống chế, anh kháng cự và dùng dao đâm khiến cảnh sát nã súng. Tommy bị còng tay trong khi máu từ các vết thương chảy ra. Anh sau đó được đưa tới bệnh viện và được tuyên bố tử vong tại đây.
Tuy nhiên, không có con dao nào được thu thập tại hiện trường và cảnh sát sau đó đính chính rằng Tommy cầm một chiếc bút khiến họ tưởng nhầm là vũ khí. Các báo cáo cho thấy có một cây bút bi nhưng nằm cách xa thi thể Tommy tới vài mét. Ngoài ra, anh chỉ cao 1,6 mét, nặng 54 kg nhưng bị tới 5 cảnh sát vây quanh và bắn 3 lần từ phía sau, hai lần trúng vào người và một lần vào cánh tay.
Trong đơn kiện, gia đình Tommy cáo buộc rằng cơ quan cảnh sát đã "cố tình che giấu" sự thật rằng anh không có vũ trang và vụ nã súng xâm phạm quyền hiến pháp của nạn nhân.
People hold up signs during a public forum held by the family of Tommy Le, a 20-year-old high school student who was shot and killed by King County sheriffs deputies in June, Wednesday, July 19, 2017 at the Asian Counseling and Referral Service.
Những người ủng hộ cầm biểu ngữ đòi công bằng cho Tommy Le tại một diễn đàn hồi tháng 7/2017. Biểu ngữ bên phải viết: "Họ không biết bút khác với dao sao?". Ảnh: Seattlepi
Tommy có bố mẹ là người gốc Việt, sinh ra tại Mỹ và là út trong số 6 anh chị em. Anh sống cùng bà ngoại nhiều năm nay và thân thiết với cả đại gia đình. Tommy không có dấu hiệu sử dụng ma túy và chưa bao giờ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Anh dự kiến tốt nghiệp trung học vào cuối ngày hôm đó.
"Liệu cảnh sát có bắn một đứa trẻ da trắng trong tình huống này?", luật sư Jeffery Campiche nêu câu hỏi trong cuộc họp báo sáng qua. "Tại sao họ phải nói dối nếu việc nã súng là đúng đắn và hợp lý?".
Quoc Nguyen, anh trai của Tommy, cho hay gia đình bấy lâu rất tin tưởng vào cảnh sát nhưng cái chết của em trai đã làm thay đổi tất cả. Xuyen Le, dì của nạn nhân, nói rằng họ không thể tưởng tượng được điều này lại xảy ra. Tommy được mô tả là rất thích đọc sách, chơi cờ và hay giúp bà ngoại làm vườn.
"Nó không phải là một đứa ưa bạo lực", bà nói trong nước mắt. "Nó chỉ muốn đi học, có giáo dục. Chúng tôi rất sốc khi Tommy không còn nữa".
Gia đình nạn nhân tin rằng Tommy trở thành mục tiêu của cảnh sát vì gốc gác châu Á. Nhiều người gốc Á đã gọi điện và gửi email đến các luật sư để bày tỏ sự ủng hộ với anh và hy vọng vụ việc được làm sáng tỏ.
"Cộng đồng đang rất phẫn nộ", luật sư Linda Tran nói.
Mẹ của Tommy, bà Dieu Ho, không giấu được nỗi đau. "Tôi đau đớn đến mức không còn nước mắt để khóc nữa. Tôi kêu gọi cộng đồng tìm lại công lý để Tommy được an nghỉ", bà nói.
Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)