Jeffrey Campiche - luật sư đại diện của gia đình họ Le, khẳng định cảnh sát hạt King, bang Washington đã xâm phạm quyền của Tommy được bảo vệ bởi Tu chính án thứ 4 trong Hiến pháp Mỹ, theo đài NBC ngày 19-1.
Theo luật sư, với việc nổ súng bắn chết Tommy vào ngày 13-6-2017, cảnh sát Mỹ đã vi phạm quyền của cha mẹ cậu như Tu chính án thứ 14 có nhắc. Những người thực thi pháp luật Mỹ thậm chí còn bị cáo buộc đã có thái độ phân biệt chủng tộc khi hành xử.
Vụ việc khi đó đã gây ra làn sóng căm phẫn khi chỉ còn một ngày nữa là Tommy làm lễ tốt nghiệp. Sự im lặng vốn thường thấy của cộng đồng người Việt tại Mỹ đã bị phá vỡ.
Theo lời của cảnh sát hạt King, họ nhận được nhiều cuộc gọi từ đường dây khẩn cấp 911 vào đêm 13-6 về một vụ nổ súng và một người đàn ông đang cầm dao đi lang thang tại thành phố Burien, ngoại ô Seattle.
Sau khi cảnh sát đến nơi, một nhân chứng nói với cảnh sát rằng Tommy chính là nghi phạm. Tommy được cho là đã tiến về phía cảnh sát, có các cử chỉ bằng tay đáng ngờ bất chấp cảnh sát yêu cầu bỏ vật đang cầm xuống đất.
Cảnh sát đã buộc phải sử dụng súng điện nhưng không thể ngăn Tommy tiến đến gần. Trước tình huống này, sĩ quan cảnh sát Cesar Molina đã nổ súng, hạ gục cậu. Tommy được đưa đến bệnh viện Harborview sau đó, nơi các bác sĩ tuyên bố cậu đã qua đời chỉ một ngày sau đó (14-6-2017).
Đó là tất cả những gì cảnh sát Mỹ tường trình về vụ việc đêm 13-6. Nhưng các bằng chứng pháp y cho thấy họ đã nói dối và dựng chuyện để thoái thác trách nhiệm.
Hơn một tuần sau cái chết của Tommy, văn phòng cảnh sát hạt King nói thứ mà Tommy cầm trong tay lúc bị bắn là một cây viết chì. Trong đơn khởi kiện, các luật sư của gia đình Tommy cho rằng cảnh sát đã biết cậu không hề mang theo vũ khí nhưng vẫn nổ súng.
Chưa dừng lại đó, kết quả khám nghiệm tử thi của Tommy do gia đình cung cấp cho thấy cậu đã bị bắn 2 lần vào lưng và 1 lần vào cổ tay. Luật sư Campiche nhấn mạnh điều này cho thấy cảnh sát đã bịa chuyện Tommy tiến về phía họ để rồi bị bắn.
"Tommy sẽ không bị bắn chết nếu cậu là người da trắng, ở trong khu của người da trắng", ông Campiche ám chỉ cảnh sát đã sử dụng bạo lực quá mức cần thiết vì Tommy là người da vàng.
Gia đình Tommy đã quyết định khởi kiện cảnh sát, yêu cầu bồi thường 20 triệu USD, luật sư đại diện cho biết. Tuy nhiên, sau tất cả, thứ mà người thân của Tommy muốn không phải là tiền bồi thường, mà là công lý và sự thật đằng sau hành động các các sĩ quan cảnh sát Mỹ.
"Vụ kiện này sẽ buộc chính phủ thay đổi thái độ và cách ứng xử của họ, sẽ bảo vệ các quyền hợp pháp của Tommy và gia đình. Quan trọng hơn, nó sẽ buộc cảnh sát phải chịu trách nhiệm cho sự dối trá của họ, che giấu sự thật khi đã lỡ xuống tay với một chàng trai trẻ", luật sư Campiche nói với đài NBC.
Theo Bảo Duy (Tuổi Trẻ)