Gia đình bé Nhật Linh xin chữ ký kêu gọi tử hình nghi phạm: 'Phán quyết của toà án không căn cứ vào số lượng chữ ký'

01/02/2018 10:50:14

Sự việc gia đình bé gái người Việt bị sát hại ở Nhật vận động xin chữ kí để mong tòa án Nhật tử hình nghi phạm đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Vậy luật sư phân tích như thế nào về vấn đề này?.

Những ngày này, trên mạng xã hội facebook lan truyền rất nhiều thông tin về việc gia đình bé gái Lê Thị Nhật Linh đang tích cực xin chữ ký để gửi đến cơ quan chức năng Nhật Bản với mong mỏi kẻ thủ ác phải bị nghiêm trị.

Trưa 30/1, trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Nguyên, mẹ bé gái người Việt bị sát hại ở Nhật, cho biết, cảnh sát Nhật Bản đã hoàn tất hồ sơ và chuyển sang viện kiểm sát. Hung thủ đã bị khởi tố và tống giam nhưng vẫn một mực chối tội và giữ quyền im lặng gây kéo dài vụ án.

Gia đình bé Nhật Linh xin chữ ký kêu gọi tử hình nghi phạm: 'Phán quyết của toà án không căn cứ vào số lượng chữ ký'
Yasumasa Shibuya, nghi phạm sát hại bé Nhật Linh vẫn im lặng kể từ khi bị bắt ngày 14/4 - Ảnh: Mainichi

Điều khiến gia đình nạn nhân vô cùng hoang mang và chờ đợi là Viện kiểm sát của Nhật Bản vẫn chưa có câu trả lời với gia đình khi nào thì vụ án sẽ đưa ra xét xử. Vì vậy, gia đình bé đã kêu gọi mọi người cùng kí để cơ quan chức năng Nhật Bản thấy được sự nghiêm trọng của vụ án này.

Gia đình bé Nhật Linh xin chữ ký kêu gọi tử hình nghi phạm: 'Phán quyết của toà án không căn cứ vào số lượng chữ ký' - 1
Cha của bé Nhật Linh, anh Lê Anh Hào, xin chữ ký tại ga Kashiwa, Chiba, Nhật Bản. Ảnh: Facebook/ Nguyễn Thị Nguyên.

Hiện nay, gia đình bé Nhật Linh đã thu thập hàng chục nghìn chữ ký nhằm kêu gọi nhà chức trách Nhật xét xử và tử hình nghi phạm sát hại con gái mình. 

Trước vụ việc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội để làm rõ những vấn đề liên quan đến pháp lý trong vụ việc nói trên.

Gia đình bé Nhật Linh xin chữ ký kêu gọi tử hình nghi phạm: 'Phán quyết của toà án không căn cứ vào số lượng chữ ký' - 2
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội

Đánh giá về vụ việc, luật sư Cường nhật định: "Hiện nay sự việc vẫn đang trong giai đoạn xét xử, thông qua các phiên điều trần của tòa án Nhật Bản. Theo đó, pháp luật Nhật Bản khuyến khích việc nhận tội của nghi phạm. Trong trường hợp nghi phạm không nhận tội nhưng có đầy đủ các bằng chứng, chứng cứ để kết tội thì tòa án cũng sẽ kết tội đối với bị cáo.

Vụ án chưa kết thúc nên chưa thể khẳng định được là đối tượng Yasumasa Shibuya có tội hay không. Vụ án này kéo dài bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân có thể là những những chứng cứ buộc tội chưa chắc chắn khiến cơ quan tố tụng chưa thể kết thúc được vụ án".

Nói về việc kêu gọi mọi người xin chữ ký để gửi đến cơ quan điều tra Nhật Bản với hy vọng kẻ thủ ác sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc nhất và sớm nhất, luật sư Cường cho rằng: "Vụ việc này không chỉ là cú sốc lớn đối với gia đình người bị hại mà còn có tác động rất lớn đối với những người đấu tranh với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói chung. Việc kêu gọi cộng đồng ký đơn lên án tội ác của hung thủ sẽ tạo ra một sức ép lớn về dư luận để các cơ quan tố tụng giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, công minh, đúng pháp luật hơn. 

Việc cha mẹ của nạn nhân xin chữ ký của những người dân để kêu gọi từ hình hung thủ không phải là một thủ tục bắt buộc theo pháp luật Nhật Bản nhưng hành động này sẽ tác động đến tâm lý của giới chức ở đây trong việc giải quyết vụ việc, đồng thời sẽ có thêm thông tin, có thể tìm thêm manh mối để buộc tội hung thủ".

Gia đình bé Nhật Linh xin chữ ký kêu gọi tử hình nghi phạm: 'Phán quyết của toà án không căn cứ vào số lượng chữ ký' - 3
Cảnh sát Nhật Bản khám xét hiện trường nơi phát hiện thi thể bé Lê Thị Nhật Linh

Cũng theo luật sư Cường, mặc dù trước đó, cảnh sát Nhật Bản đã thu được một số vật chứng trên xe ô tô của nghi phạm và giám định ADN trùng khớp với nạn nhân. Tuy nhiên, giá trị chứng minh chỉ thể hiện là nạn nhân có mặt trên xe của nghi phạm, những chứng cứ này chưa chứng minh được có xảy ra việc xâm hại tình dục trên xe ô tô này hay không.

Mặt khác, thi thể nạn nhân được phát hiện dưới nước, sau một khoảng thời gian nên việc thu thập các dấu vết của hung thủ trên cơ thể nạn nhân là rất khó khăn.

"Nếu thu được tinh dịch của nghi phạm trong cơ thể nạn nhân hoặc thu được các mô da của hung thủ trong móng tay nạn nhân hoặc có các dấu vết, chứng cứ khác chứng minh có cuộc vật lộn, giằng co giữa hung thủ với nạn nhân trước khi chết hoặc có được nhân chứng, có thêm các tình tiết, chứng cứ khác về nguyên nhân, động cơ, vật chứng khác... thì mới có thể buộc tội được hung thủ đó một cách chắc chắn.

Nếu trong vụ án này, công tố viên chỉ có chứng cứ chứng minh nạn nhân ở trên xe của nghi phạm trước khi chết nhưng nghi phạm lại có chứng cứ ngoại phạm hoặc im lặng thì chưa thể đủ căn cứ để kết tội được nghi phạm này. 

Pháp luật hình sự Nhật Bản rất tiến bộ, họ có quy định rất đầy đủ, cụ thể về chứng cứ và quy định rõ quy trình chứng minh cùng các chứng cứ để buộc tội nghi phạm. Vì thế, các cơ quan tố tụng rất thận trọng trong việc buộc tội nhằm tránh những oan sai có thể xảy ra. Pháp luật Nhật Bản ghi nhận và đề cao các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự như nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền im lặng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chứng minh trong tố tụng hình sự. 

Vì thế, để sớm tìm ra hung thủ thực sự và có căn cứ để buộc tội hung thủ thực sự thì việc tìm ra các thông tin, manh mối vụ việc, tìm các chứng cứ để buộc tội theo quy định của pháp luật quan trọng hơn là việc đi tìm những chữ ký ủng hộ quan điểm, ý kiến của gia đình nạn nhân", luật sư Cường cho biết thêm.

"Trong vụ việc này, gia đình nạn nhân nên thuê luật sư để tham gia tranh tụng trong vụ án, tìm chứng cứ buộc tội hung thủ. Điều cần làm nhất hiện nay là tìm các chứng cứ buộc tội bị cáo, đồng thời tranh luận với bị cáo, luật sư bào chữa cho bị cáo trước phiên tòa để chứng minh hành vi phạm tội và đề nghị mức án đối với bị cáo. Tòa án xét xử vụ án, buộc tội bị cáo căn cứ vào các chứng cứ được thu thập một cách hợp pháp chứ không căn cứ vào số lượng chữ ký của người dân về việc đề nghị tử hình hung thủ.

Vì vậy, trong tình thế hiện nay thì tìm chứng cứ buộc tội sẽ quan trọng hơn là việc xin chữ ký, kêu gọi dư luận ủng hộ về mức hình phạt", luật sư Cường nhận định.

Bé Lê Thị Nhật Linh, 9 tuổi, người Việt sinh sống tại Chiba, Nhật Bản, bị mất tích trên đường đi học vào ngày 24/3/2017.

Sáng 26/3/2017, thi thể không quần áo của Nhật Linh được tìm thấy trên bãi cỏ gần mương thoát nước, cách nhà cô bé khoảng 10 km. Cặp sách cùng vật dụng cá nhân của em lần lượt được tìm thấy sau đó ở địa điểm cách nơi phát hiện thi thể khoảng 25 km. Qua khám nghiệm hiện trường, cảnh sát nhận định bé Nhật Linh bị sát hại vào khoảng từ sáng 24/3 đến đêm 25/3/2017.

Ngày 1/4/2017, thi thể của bé Nhật Linh được đưa về Việt Nam để an táng ở quê nhà.

Đến ngày 4/4/2017, cảnh sát Nhật đã bắt được kẻ tình nghi giết hại bé Nhật Linh, nhờ vào các dấu vết được tìm thấy trên xe ô tô của hắn. Nghi phạm là Kamimasa Shibuya, 40 tuổi, đồng thời cũng là chủ tịch hội học sinh của ngôi trường bé Linh đang theo học.

Hồi tháng 5/2017, Shibuya Yasumasa bị cảnh sát Nhật Bản truy tố ba tội danh bao gồm bắt cóc, xâm phạm tình dục và giết người.

Hiện hung thủ vẫn giữ im lặng và không thừa nhận tội ác của mình khiến vụ án buộc phải kéo dài.

Theo Minh Khôi (Thời Đại)