Gia Cát Lượng đã bức mưu thần Bàng Thống vào “tử lộ” như thế nào?

18/09/2015 11:58:49

Đằng sau cái chết có tính toán từ trước của đại mưu thần Bàng Thống, có sự hiện diện của những lời đe dọa đến từ Gia Cát Lượng - người đã từng đích thân mời ông về phò tá cho Lưu Bị.

Đằng sau cái chết có tính toán từ trước của đại mưu thần Bàng Thống, có sự hiện diện của những lời đe dọa đến từ Gia Cát Lượng - người đã từng đích thân mời ông về phò tá cho Lưu Bị.

Đại ẩn sĩ Tư Mã Huy từng tán dương rằng: "Nếu có được một trong hai người: Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phượng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định hưng được thiên hạ".

Vậy tài trí của hai người có gì khác biệt? Lưu Bị đã từng sở hữu cả Long lẫn Phượng, cớ sao vẫn không thể có được thiên hạ?

Trong kỳ 3 cuốn “Bách Gia giảng đàm” có chủ đề  “Vì sao Bàng Thống phải “tự sát”?” đã viết rằng: ai có thể ngờ rằng, đằng sau cái chết loạn tiễn xuyên tâm, máu chảy đầu rơi lại là cả 1 kế hoạch được Phượng Sồ dày công sắp đặt .

Chẳng hề nghi ngờ rằng, thời bấy giờ Bàng Thống là người duy nhất có đủ tài năng mở đường tới nước Thục, nhưng vào thời khắc quan trọng ông lại giao lại toàn bộ cho người có tài trí thấp hơn nhưng chí hướng cao hơn ông một bậc là Khổng Minh.

Gia Cát Lượng mời Bàng Thống, sau lại muốn phế Bàng Thống
 

Gia Cát Lượng và Bàng Thống.

 
Gia Cát Lượng có thể giúp Lưu Bị lấy được Kinh Châu, nhưng khi đối diện với "dân cường địa hiểm" Tây Xuyên, ông phải bó tay.

Vừa không biết khuyên Lưu Bị giả nhân nghĩa, soán ngôi Lưu Chương như thế nào, lại không dám tái diễn "Xích Bích đại chiến" với Tây Xuyên, Gia Cát Lượng liền mượn cớ tới Đông Ngô viếng Chu Du để mời người tài giỏi hơn mình 1 bậc - Bàng Thống.

Về sau, một người trấn thủ Kinh Châu, một người tấn công Tây Xuyên, và cả 2 đều trở thành trợ thủ đắc lực cho Lưu Bị.

Quả thực, Bàng Thống tài năng hơn Khổng Minh.

Ông hiểu được rằng muốn chiếm được Kinh Châu, Lưu Bị phải diễn màn giả nhân nghĩa, vì còn phải mưu tính để lấy được thiện cảm của Lưu Chương về sau, nhưng khi đến chỗ Lưu Chương thì có thể hoàn toàn có thể lột bỏ mặt nạ, “bức vua thoái vị”.

Về văn, ông dễ dàng thuyết phục được Lưu Bị chỉ với 4 từ “nghịch thủ thuận thủ”. Về võ, ông chỉ dùng 2 mạt tướng mà Khổng Minh không muốn dùng là Hoàng Trung và Ngụy Diên đã có thể phá vòng vây ở Tây Xuyên.

Tuy nhiên, vào thời điểm chiến dịch Tây Xuyên sắp "đại công cáo thành" thì tình hình có chuyển biến, Khổng Minh đã gửi cho Bàng Thống một lá thư đe dọa.

Hành động này gần giống như việc trước đây Trình Dục lừa Từ Thứ, Trình Dục lợi dụng lòng hiếu thảo của Từ Thứ, uy hiếp mẹ Từ Thứ rồi kêu gọi Từ Thứ đầu hàng.

Còn Gia Cát Lượng thì lợi dụng lòng trung thành của Bàng Thống đối với Lưu Bị cũng như sự ưu ái của Lưu Bị đối với Bàng Thống để khiến Lưu Bị dao động, rồi diệt người đầy tớ trung thành.

Nhìn thấu Lưu Bị, Bàng Thống quyết lấy cái chết để giữ thanh danh

Vấn đề mâu thuẫn ý kiến giữa Ngọa Long - Phượng Sồ khiến Lưu Bị do dự. Một mặt, Lưu Bị rất quý trọng vị mưu thần tài năng Bàng Thống, mặt khác cũng vô cùng tin tưởng Gia Cát Lượng liệu sự như thần.

Để bảo toàn lực lượng, Lưu Bị đành phải quyết định lui về Kinh Châu.

Ngày hôm sau, để khuyên giải Bàng Thống, Lưu Bị nói với Bàng rằng: "Ta nằm mơ thấy vị thần cầm thiết bổng đánh vào tay phải ta, ngủ dậy vẫn thấy đau. Liệu có phải điềm dữ?”

Bàng Thống vốn dũng cảm, không tin chuyện thần ma, không chịu được lời nói yếu hèn, so tính thiệt hơn, ông đáp lại rằng: "Tráng sĩ ra trận, không chết mà bị thương là chuyện thường, chúa công hà tất phải đa nghi chuyện mộng mị?

Chúa công bị Khổng Minh mê hoặc. Người này cũng vì không muốn Thống độc thành đại công nên mới cố tình nói vậy khiến chúa công sinh lòng hoài nghi. Lòng hoài nghi thì sẽ thành mộng, chứ nào có điềm xấu gì?

Thống có máu chảy đầu rơi, vẫn giữ lòng này. Mong chúa công đừng nói gì thêm mà nên sớm quyết  tiến binh".

Nói rất hay! Thứ nhất dũng, thứ hai trung, thứ ba duy vật, thứ tư không suy nghĩ như kẻ tiểu nhân tham công.

Tuy nhiên, khi Bàng Thống nói ra những lời khảng khái của mình, cũng là lúc lòng trung của ông đối với Lưu Bị đã mất dần đi, ông không còn muốn dốc sức vì Lưu Bị nữa.

Lưu Bị giờ đây không chỉ “ngu nhân, ngu nghĩa” mà còn “ngu tín”, không còn gì đáng để theo nữa.

Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", các mưu sĩ thường rất ít khi nhắc đến cái chết trong lời thề của mình, một khi đã nhắc đến thì rất có thể người đó đã có động cơ hướng đến với cái chết.

Như khi bắc phạt, Quách Gia đã nói với Tào Tháo: "Tôi cảm tạ đại ân của Thừa tướng, có chết cũng không báo đáp hết được".

Bàng Thống cũng giống Quách Gia, cũng là trong lòng có ý “phản chủ”, song vẫn phải cố tỏ ra trung nghĩa. Hơn nữa, họ đều đặt tiền đồ của quốc gia lên trên sự sống cái chết cá nhân.

Dù Quách Gia không biết Lưu Bị là người như thế nào, nhưng chí ít ông có thể tin rằng tư tưởng tân Nho gia của Lưu Bị tốt hơn tân Pháp gia của Tào Tháo.

Bàng Thống cũng vậy, mặc dù ông không thể biết được Gia Cát Lượng sẽ làm những gì trong tương lai, nhưng chí ít ông có thể chắc chắn rằng Nho - Pháp kết hợp của Lượng cao hơn so với tân Nho gia của Lưu Bị, và có thể phát triển hơn trong tương lai.
 

Bàng Thống tự vạch ra kế hoạch tự sát cho mình vì nhìn thấu sự nhu nhược của Lưu Bị.

 
Bàng Thống luôn sống tuân theo lý tưởng trung thành, chưa bao giờ mảy may có ý định cướp đoạt thiên hạ, vì thế ông muốn nhường địa vị cho Khổng Minh.

Thứ nhất, ông làm vậy nhằm bảo vệ danh dự của 1 nam tử hán.

Thà “da ngựa bọc thây” chứ không làm kẻ đào ngũ. Lẽ ra, khi đó Bàng Thống có thể chọn cách lui quân để bảo toàn tính mạng, nhưng ông không làm như vậy. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất trong tính cách của Bàng Thống và Lưu Bị.

Thứ hai, Bàng Thống vì không muốn ảnh hưởng đến Gia Cát Lượng nên đã đẩy nguyên nhân gây ra cái chết của mình về phía Lưu Bị.

Vì sao ngựa của ông “cưỡi đã lâu, chưa bao giờ như vậy” đột nhiên lại sa chân trước? Lẽ nào ông cũng bắt đầu hoài nghi, sợ chết rồi nên tâm trạng ảnh hưởng đến ngựa?

Không phải vậy! Bàng Thống biết được Lưu Bị mê tín, nên dựa vào sự quan tâm của Lưu Bị để ông đổi ngựa cho mình.

Bàng Thống sau khi cưỡi con bạch mã của Lưu Bị không những chết rất nhanh, mà còn có thể đổ hết sơ suất lên đầu Lưu Bị. Như vậy, chủ tướng cũng sẽ không thể trút giận sang Khổng Minh.

Thực ra việc Lưu Bị mơ thấy thần tiên đánh vào cánh tay cho thấy Lưu Bị đã có chút nghi ngờ Gia Cát Lượng, vì thần tiên trong lòng Lưu Bị chỉ có Khổng Minh mà thôi.

Thứ ba, Bàng Thống chọn chết tại đèo Lạc Phượng cũng là để an ủi Lưu Bị rằng: “số mệnh của ông đã tới lúc phải chết, Lưu cũng không nên quá tự trách mình".

Thứ tư, vì sao Bàng Thống nhắc đi nhắc lại rằng bức thư của Gia Cát Lượng là do đố kỵ? Vì sao ông lại hành quân trên con đường nhỏ, hiểm yếu mà đẩy Ngụy Diên ra tuyến đầu?

Bản thân “trói gà không chặt”, chỉ huy hậu quân vốn gặp nhiều nguy hiểm hơn nhằm mục đích gì? Tại sao lại không hành quân cùng Ngụy Diên trong khi điều này hoàn toàn có thể?

Rõ ràng, Bàng Thống muốn bày sơ hở này để chứng tỏ với Gia Cát Lượng rằng: Ông cam tâm tình nguyện nhường công, nhường địa vị cho Lượng, chứ không phải chết trong tay Lượng, càng không phải vì không biết mưu đồ hiểm ác của Lượng.

Từ đó có thể thấy rằng, Khổng Minh không phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong cái chết của Bàng Thống.

Nếu thực sự muốn tìm một nguyên nhân dẫn đến cái chết của mưu thần này thì đó chính là việc Khổng Minh đã bắn hỏa tiễn trước, đánh vào tâm lý Bàng Thống.

Việc này giúp Bàng Thống nhận ra rằng: không chỉ “ngu nhân, ngu nghĩa” mà Lưu Bị còn hèn nhát, “ngu tín”, điều đó càng làm cho ông quyết tâm từ bỏ phò Lưu Bị, “ngã theo tiếng súng”.

Không thể nghi ngờ gì rằng, Bàng Thống là người duy nhất có đủ tài năng mở đường tới nước Thục, nhưng vào thời khắc quan trọng ông lại giao lại toàn bộ cho người có tài trí thấp hơn, nhưng chí hướng cao hơn ông một bậc là Khổng Minh.

Phương pháp “số mệnh” của La Quán Trung thật tài tình, nhìn bề ngoài thì cuối cùng cả 2 cách lý giải về tinh tượng gần như đều ứng nghiệm, nhưng thực ra đều do con người điều khiển.
 
>> Bi kịch tình yêu của "Gia Cát Lượng"
>> Nguyên nhân làm Gia Cát Lượng yêu say đắm người vợ xấu xí của mình

Theo Nguyễn Nhung (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật