Thanh Campbell khi nhỏ tại gia đình nhận nuôi ở Canada. |
Thanh Campbell, tên tiếng Việt là Nguyễn Ngọc Minh Thanh, là một trong hàng nghìn trẻ rời Sài Gòn đầu tháng 4/1975 trong chiến dịch Không vận Trẻ em (Operation Babylift). Tuy nhiên, máy bay chở anh rời quê hương là chiếc Hercules C130 của Không quân Canada, một trong những nước tham gia chiến dịch Babylift.
Còn ba của Thanh, ông Nguyễn Minh Thạnh, lại nhờ người quen tìm kiếm thông tin con trai ở Mỹ. Đó là một trong nhiều lý do khiến ngày đoàn tụ của 2 cha con kéo dài.
Nỗi đau chia ly
Đầu năm 1975, ông Nguyễn Minh Thạnh gia nhập quân ngũ theo lệnh tổng động viên. Vì lo lắng cho sự an toàn của các con, ông gửi 3 con trai vào một trại mồ côi, hứa rằng sẽ đón về sau vài tháng.
Gia đình mục sư William Campbell và Thanh. |
Chuyến bay đáp tại thành phố Toronto, Canada, vào ngày 13/4. Những trẻ mồ côi Việt Nam sống tạm ở một trung tâm trong lúc chờ gia đình nhận nuôi. 5 ngày sau, mục sư William Campbell đến trung tâm để đón Thanh về. Trước đó, nhà Campbell đã có 3 người con ruột và 2 con trai nuôi.
"Tôi trở thành con thứ 6 trong gia đình. Tất cả anh chị em đều rất yêu thương tôi", Thanh nói.
Trưởng thành trong sự yêu thương, đùm bọc của gia đình mục sư Campbell, Thanh bắt đầu suy nghĩ về sự khác biệt của bản thân, về nguồn gốc và quê hương khi bước vào tuổi thiếu niên.
"Tôi nghĩ về nỗi đau mà ba mẹ phải chịu đựng trong những năm thất lạc con. Tôi rất nhớ 2 anh trai và luôn hy vọng tìm thấy người thân, dù biết điều này khó thực hiện", Thanh kể.
Bước ngoặt cuộc đời
|
Number 32, quyển sách của Thanh Campbell kể về cuộc đời anh. Ảnh bìa là Thanh trong chuyến bay Không vận Trẻ em sang Canada vào tháng 4/1975. Thanh được đánh dấu số thứ tự 32. |
Cuộc hội ngộ đầu tiên diễn ra vào năm 2006. Một tờ báo tại Việt Nam (báo Tuổi Trẻ) đã đưa tin về cuộc họp mặt. Người cha luôn ngày đêm mong mỏi thông tin về con trai vô tình đọc được bản tin này. Linh tính mách bảo đây chính là đứa con mà ông đang tìm kiếm, ông Minh Thạnh liên hệ với tòa soạn, từ đó trao đổi thông tin bước đầu qua email với Thanh.
Nguyễn Ngọc Minh Thảo, anh trai của Thanh, đã gửi email với nội dung như sau: "Ông Thanh Campbell thân mến. Gia đình tôi cũng có một người trông giống anh. Chúng tôi đã mất liên lạc với anh ấy từ năm 1975 khi cậu rời Việt Nam trong chiến dịch Babylift. Sau hơn 30 năm, ba tôi luôn không ngừng tìm kiếm thông tin về con. Chúng tôi rất mừng khi đọc bản tin này. Tôi mong tin từ anh".
Khi nhận email, Thanh tỏ ra bối rối vì mọi chuyện xảy ra quá đột ngột. Năm 2006, Thanh lập gia đình và có 3 con trai. "Nếu một đứa con của tôi đi lạc, tôi chắc chắn sẽ rất muốn biết nó đang ở nơi nào".
|
Thanh Campbell lần đầu gặp lại ba ruột, ông Nguyễn Minh Thạnh (phải), vào giữa năm 2009. |
"Tôi thông báo tin mừng với ông là kết quả ADN khẳng định tôi chính là đứa con mà ông tìm kiếm. Rồi ba kể với tôi về hoàn cảnh mà ông buộc phải gửi tôi vào trại mồ côi. Ông nói mẹ tôi đã vô cùng đau buồn khi biết tôi bị đưa ra nước ngoài. Mọi người chỉ kể lại rằng chúng tôi bị đưa sang Mỹ, họ chưa bao giờ nghĩ rằng tôi lại đến Canada", Thanh kể.
Một trong những câu hỏi chất chứa trong lòng Thanh hơn 30 năm lưu lạc, "Vì sao năm xưa ba cho con vào trại mồ côi", đã được ông Minh Thạnh giải tỏa.
"Ba tôi nói rằng đó là nơi an toàn nhất đối với chúng tôi trong những năm chiến tranh. Ba nói ông yêu tôi rất nhiều và chưa bao giờ ngừng tìm kiếm con trai", Thanh tâm sự với phóng viên.
Hai người cha của Thanh Campbell gặp nhau năm 2009. |
Nhiều tờ báo của Canada như The Star, đài CBC, CTV News, The Spectator... đều đưa tin về cuộc đoàn tụ kỳ diệu của Thanh Campbell. Trong 10 ngày ở Việt Nam, anh tranh thủ thăm lại trại trẻ mồ côi năm xưa, nay ở Quận Gò Vấp. "Các con tôi cũng chơi rất vui với anh, em họ của chúng".
Thanh chưa bao giờ nuối tiếc về những năm tháng sống ở Canada. "Tôi rất biết ơn ba William vì đã nuôi dưỡng và cho tôi một cuộc sống tốt đẹp", Thanh nói.