Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 21.909 ca mắc Covid-19 và 879 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng tổng số ca mắc ở Mỹ lên gần 2,1 triệu người với 116.009 người tử vong.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 10/6, Ashish Jha, Giám đốc Viện y tế toàn cầu thuộc Đại học Harvard, cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ không chấm dứt trong tháng 9 và con số tử vong tại Mỹ có thể lên tới 200.000.
Theo chuyên gia này, tới nay Mỹ đã ghi nhận hơn 112.000 ca tử vong và điều này một phần là do Mỹ đã bắt đầu mở cửa trở lại trong khi chưa kiểm soát được số ca nhiễm mới.
Theo ông Ashish Jha, số ca tử vong ở Mỹ hoàn toàn có thể tránh được nếu tăng cường xét nghiệm, truy tìm tiếp xúc, giãn cách xã hội và sử dụng rộng rãi khẩu trang.
Nhiều bang ở Mỹ đã thông báo về số ca nhiễm mới gia tăng trong vài ngày qua khiến giới chuyên gia y tế Mỹ lo ngại chính quyền nước này đang nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm.
Một loại vaccine ngừa Covid-19 do công ty công nghệ sinh học của Mỹ là Moderna phát triển sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng của đợt thử nghiệm lâm sàng vào tháng 7 với 30.000 người tham gia.
Brazil vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới và là ổ dịch lớn nhất Mỹ Latin. Quốc gia này ghi nhận thêm 27.644 ca mắc mới trong 1 ngày, nâng tổng số ca lên 802.828 với gần 41.000 trường hợp tử vong. Brazil là quốc gia có số ca tử vong nhiều thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh.
Peru, Chile và Mexico vẫn là những điểm nóng ở Mỹ Latin với số ca mắc Covid-19 tăng cao. Peru ghi nhận gần 6.000 ca mắc mới trong 24h qua, nâng tổng số ca lên 214.788 trường hợp, vượt Iran và Đức để trở thành ổ dịch lớn thứ 8 thế giới. Chile cũng ghi nhận 5.596 ca mắc và 173 ca tử vong trong 1 ngày, nâng tổng số ca lên 154.092 với 2.648 ca tử vong. Mặc dù Mexico ghi nhận số ca mới trong 24h qua thấp nhất trong 3 nước với 4.883 ca nhưng quốc gia này lại có số trường hợp tử vong cao nhất với 708 người. Hiện Mexico có tổng số 129.184 ca mắc Covid-19 và 15.357 ca tử vong vì dịch bệnh này. Cả 3 nước trên đều nằm trong danh sách 15 nước có nhiều ca mắc Covid-19 nhất thế giới.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 174 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 6.532. Số ca nhiễm tăng thêm 8.779, lên 502.436. Nước này bắt đầu nới dần phong tỏa từ ngày 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau.
Thủ đô Moskva vẫn ghi nhận 1.000 ca mới mỗi ngày, song 13 triệu dân từ ngày 9/6 được phép tự do ra ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dimitri Peskov nói Nga đối phó được nCoV và hệ thống chăm sóc y tế hiệu quả giúp tỷ lệ tử vong thấp.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 427 ca nhiễm, nâng tổng số lên 289.787, số ca tử vong vẫn là 27.136, không tăng ca mới. Tình trạng khẩn cấp tại Tây Ban Nha vẫn được duy trì ít nhất tới 21/6. Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết người Tây Ban Nha vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang nếu không thể giữ khoảng cách 1,5 m với nhau, cả trong nhà và ngoài trời.
Anh báo cáo thêm 1.266 ca nhiễm và 151 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 291.409 và 41.279. Một số trường học đã mở cửa, chợ ngoài trời và phương tiện giao thông công cộng được hoạt động trở lại nhưng nhà hàng và quán bar vẫn phải đóng cửa.
Italy ghi nhận thêm 379 ca nhiễm và 53 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 236.142 và 34.167. Italy đã mở lại toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phương tiện công cộng và cho phép người dân tự do di chuyển khắp đất nước. Tuy nhiên, trường học vẫn đóng cửa.
Công tố viên từ Bergamo, thành phố ở Lombardy, đã mở cuộc điều tra về khủng hoảng. Họ sẽ phỏng vấn Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nội vụ về cách chính phủ xử lý đại dịch.
Pháp và Đức cũng ghi nhận số ca mắc mới ở mức 3 con số trong 1 ngày, lần lượt là 425 và 285 với các ca tử vong lần lượt là 27 và 7. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp là 155.561 ca trong khi Đức ghi nhận 186.795 trường hợp mắc bệnh.
Đáng chú ý, Ấn Độ đã vượt Anh và Tây Ban Nha để trở thành ổ dịch lớn thứ 4 thế giới với 298.283 ca mắc và 8.501 ca tử vong.
Iran vẫn dẫn trước Thổ Nhĩ Kỳ về tổng số ca mắc Covid-19, với 180.156 ca so với 174.023 ca. Trong 24h qua, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 987 ca mắc mới, trong khi Iran ghi nhận 2.218 ca. Số ca tử vong trong ngày của 2 nước đều ở mức 2 con số, lần lượt là 17 và 78.
Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 298.283 ca nhiễm và 8.501 ca tử vong, tăng lần lượt 11.128 và 394. Tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ tương đối thấp, song các chuyên gia cảnh báo đại dịch tại đây chưa đạt đỉnh. Ấn Độ đứng thứ tư thế giới về số ca nhiễm.
Những cơ sở tôn giáo, khách sạn, nhà hàng và trung tâm thương mại nằm ngoài các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao được mở cửa từ 8/6. Các trường học sẽ nối lại hoạt động sau khi chính phủ thảo luận với chính quyền địa phương, quyết định dự kiến được đưa ra vào tháng 7.
Tại Đông Nam Á, Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 39.387 ca nhiễm, tăng 422, trong đó 25 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Tỷ lệ tử vong tại quốc gia này rất thấp nhờ xét nghiệm rộng rãi và hệ thống y tế hoạt động hiệu quả.
Singapore cho phép phương tiện công cộng, một số trường và một số cửa hàng như tiệm bán đồ dùng học sinh mở lại. Nhà hàng và quán bar vẫn không được tiếp khách mà chỉ phục vụ bán mang về hoặc giao hàng tận nơi.
Indonesia ghi nhận 979 ca mới trong 24h qua, nâng tổng số lên 35.295, trong đó 2.000 người chết, tăng 41 ca. Tuần trước, Jakarta mở lại nhà thờ Hồi giáo sau gần ba tháng. Văn phòng, nhà hàng, trung tâm mua sắm và các điểm du lịch cũng dần hoạt động trở lại.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV nào.
HP (Nguoiduatin.vn)