Gus Papathanasiou, chủ tịch Công đoàn Cảnh sát Quốc hội Mỹ, ngày 24/1 xác nhận thông tin trên và cho hay số ca nhiễm trong lực lượng này có thể sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
"Công đoàn chúng tôi rất lo ngại và đã bày tỏ nỗi lo lắng này tới các chỉ huy Cảnh sát Quốc hội từ tháng 3 năm ngoái", Papathanasiou cho hay trong một tuyên bố trước đó. Ông nói rằng đã gây sức ép để các các cảnh sát quốc hội được xét nghiệm thường xuyên và tiêm phòng Covid-19, nhưng vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Trong vụ bạo loạn Đồi Capitol hôm 6/1, đám đông ủng hộ Donald Trump, phần lớn không đeo khẩu trang, xông vào tòa nhà quốc hội, la hét và đối đầu với các cảnh sát làm nhiệm vụ. Các chuyên gia y tế lo ngại đây có thể là một sự kiện "siêu lây nhiễm" không chỉ làm lây lan nCoV cho lực lượng hành pháp mà cả các nghị sĩ và cư dân ở Washington.
"Tôi cho rằng phải đoán trước đây là một đợt bùng phát. Có nhiều người không đeo khẩu trang ở gần nhau tràn vào tòa nhà quốc hội Mỹ", tiến sĩ Robert Redfield, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nói.
Một số nghị sĩ Mỹ cũng dương tính với nCoV sau vụ bạo động. Một số đảng viên Dân chủ trong số này cho biết họ nhận kết quả dương tính sau khi trú ẩn cùng chỗ với những nghị sĩ Cộng hòa không chịu đeo khẩu trang.
"Sau các sự kiện hôm 6/1, bao gồm việc trú ẩn cùng các đồng nghiệp từ chối đeo khẩu trang, tôi quyết định xét nghiệm nCoV và nhận kết quả dương tính", Bonnie Coleman, hạ nghị sĩ bang New Jersey, đăng trên Twitter ngày 11/1. Một video cho thấy 6 hạ nghị sĩ Cộng hòa từ chối nhận khẩu trang từ một đồng nghiệp trong vụ bạo động hôm 6/1.
Các nghị sĩ và nhân viên quốc hội Mỹ đã nhận được bản ghi nhớ từ bác sĩ cảnh báo nguy cơ có thể phơi nhiễm nCoV, sau khi họ buộc phải tập trung tại một địa điểm trú ẩn trong vụ bạo động.
"Một số người ở tại căn phòng trong thời gian ngắn, số khác trú ẩn vài giờ. Trong thời gian này, những ngưởi bên trong có thể tiếp xúc với người đã nhiễm nCoV", tiến sĩ Brian Monahan cho biết trong bản ghi nhớ hôm 10/1.
Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019, xuất hiện tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 100 triệu ca nhiễm, hơn 2,2 triệu ca tử vong và hơn 72 triệu người đã bình phục. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 26 triệu ca nhiễm và hơn 429.000 ca tử vong.
Theo Nguyễn Tiến (Vnexpress.net)