Trong khi đó, một tổ chức độc lập nói Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phản ứng chậm chạp và thiếu kiên quyết trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Theo AP, Trung Quốc ghi nhận 118 trường hợp nhiễm mới trong ngày 19/1, với 43 trường hợp ở tỉnh Cát Lâm. Tỉnh Hà Bắc gần thủ đô Bắc Kinh ghi nhận 35 trường hợp, trong khi tỉnh Hắc Long Giang giáp biên giới với Nga báo cáo 27 ca bệnh mới. Bắc Kinh báo cáo một trường hợp, dù đã ra lệnh phong tỏa một số khu dân cư.
Nếu như số ca Covid-19 trong cộng đồng ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã giảm xuống còn 19 người, Hắc Long Giang 16 người theo số liệu công bố sáng nay (20/1), thì tỉnh Cát Lâm, tiếp giáp với Hắc Long Giang lại tăng mạnh lên 46 trường hợp và Bắc Kinh 7 ca, đưa tổng số người bệnh cộng đồng của nước này lên 88 trường hợp.
Thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm đã buộc phải đưa 1 quận vào vùng dịch nguy cơ cao. Bắt đầu từ hôm nay (20/1), toàn bộ các khu dân cư ở thành phố hơn 2 triệu dân này sẽ phải chịu sự quản lý khép kín nghiêm ngặt, không được ra vào nếu không cần thiết. Toàn bộ các phương tiện giao thông công cộng nội đô, tàu xe đường dài, sân bay và xe taxi ngừng hoạt động, xe ô tô cá nhân không được phép ra vào thành phố.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng dừng hàng loạt tuyến xe buýt đến khu vực có dịch ở quận Đại Hưng. Chính quyền quận này đã công bố 10 biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt vào sáng sớm 20/1. Toàn bộ người dân ở quận này về nguyên tắc không được rời khỏi thủ đô. Một cuộc rà soát đang được tiến hành khẩn trương đối với tất cả những người nhập cảnh vào Bắc Kinh từ ngày 10/12/2020 đến nay.
Gần 20 triệu người trong tình trạng bị phong tỏa, trong khi một số thành phố xét nghiệm hàng loạt với lo ngại rằng các ca nhiễm không được phát hiện có thể lây lan dịch nhanh chóng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chỉ còn vài tuần nữa. Đợt bùng phát hiện tại ở Cát Lâm là do một người bán hàng bị nhiễm bệnh đến từ tỉnh Hắc Long Giang lân cận, nơi trước đó đã xảy ra một đợt bùng phát, Reuters tường thuật.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)