Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Úc đồng ý áp giá cố định với dầu mỏ Nga thay vì thả nổi, để đảm bảo lệnh trừng phạt với Moscow không ảnh hưởng thị trường toàn cầu.
Hãng Reuters dẫn nguồn thạo tin hôm 4-11 cho biết các nước G7 và Úc sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng đã nhất trí thông qua kế hoạch "chưa từng có" về áp giá trần với các lô dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển.
"Liên minh đã đồng ý rằng giá trần sẽ là mức giá cố định và sẽ được xem xét thường xuyên để điều chỉnh khi cần thiết, qua đó giúp tăng sự ổn định của thị trường. Điều này cũng sẽ giúp đơn giản hóa việc tuân thủ quy định nhằm giảm thiểu gánh nặng cho các bên tham gia thị trường" - nguồn tin nhấn mạnh.
Nguồn tin cũng nói thêm việc tính giá trần dầu Nga sẽ dựa trên chỉ số giá dầu, chẳng hạn như của Brent. Ví dụ, nếu dầu Brent tăng do nguồn cung trên thị trường giảm thì giá trần dầu Nga cũng sẽ tăng tương ứng, điều này có lợi cho Moscow.
Giá trần ban đầu với dầu mỏ Nga hiện chưa được công bố nhưng sẽ có trong vài tuần tới. Giá sẽ được xem xét thường xuyên và có thể được điều chỉnh nếu các đối tác của liên minh thấy cần thiết.
Mức giá trần với dầu thô Nga dự kiến có hiệu lực vào ngày 5-12, trong khi các sản phẩm dầu tinh chế bị áp giá trần từ ngày 5-2-2023.
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh rằng sẽ không bán dầu cho các nước áp giá trần với họ. Nga cũng cảnh báo nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu để đối phó với tác động tiêu cực nếu phương Tây áp giá trần.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hôm 24-2. Trước khi chiến dịch quân sự nổ ra, châu Âu nhập gần một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga.
Thống kê cho thấy năm 2021, châu Âu nhập từ Nga khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế và 0,5 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.
Theo Bằng Hưng (Nld.com.vn)