Bản nhái lỗi của RPG-7
Nỗ lực phát triển Viper được nhen nhóm sau khi Quân đội Mỹ chứng kiến hiệu suất ấn tượng của súng phóng lựu chống tăng RPG-7 của Liên Xô tại chiến trường Việt Nam. Năm 1967, Tướng William Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam ra lệnh tìm cách thu giữ súng RPG-7 cùng đạn PG-7 để gửi về Mỹ thử nghiệm.
Quân đội Mỹ đánh giá rất cao RPG-7 và giao cho Bộ chỉ huy Tên lửa của Lục quân nghiên cứu tìm cách sao chép cũng như cải tiến khẩu súng này theo yêu cầu tác chiến của họ.
Quyết định phát triển vũ khí chống tăng cá nhân mới được phê duyệt vào năm 1972, chương trình mang tên gọi ILAW (vũ khí chống tăng hạng nhẹ cải tiến). Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Thiếu tá Steven C. Walker và kỹ sư Bernie Cobb chịu trách nhiệm phát triển dự án.
Súng phóng lựu chống tăng FGR-17 có thiết kế khá giống M72, tuy nhiên đặc tính kỹ chiến thuật của nó lại tệ hơn. |
Khi bắt tay thực hiện, chương trình lập tức đối mặt với nhiều thách thức. Học thuyết quân sự Mỹ bắt buộc vũ khí cá nhân nặng không quá 3,17 kg, tiếng ồn khi bắn dưới 180 db. Để đáp ứng tiêu chuẩn này, các kỹ sư phải thu nhỏ đầu đạn xuống còn chỉ 450 g cùng động cơ đẩy rất khiêm tốn.
Đơn giá yêu cầu phải thấp hơn 100 USD rõ ràng không phải "điềm lành" cho vũ khí được kỳ vọng tốt hơn M72. Nguyên mẫu ILAW được giới thiệu vào năm 1974, nó thực hiện 400 lần phóng thử với những báo cáo rất lạc quan từ nhà sản xuất. FGR-17 Viper dự kiến đi vào hoạt động trong Quân đội Mỹ từ năm 1980.
Tuy vậy, quá trình phát triển Viper gặp nhiều vấn đề kỹ thuật và kéo dài hơn dự kiến. Để đáp ứng yêu cầu về trọng lượng, nhà sản xuất quyết định sử dụng vật liệu sợi thủy tinh và carborene làm nhiên liệu cho động cơ tên lửa.
Nhưng carborene lại dễ tan trong nước, dẫn đến sự tan rã khi tiếp xúc lâu ngày ở môi trường có độ ẩm lớn. Quá trình chế tạo đầu đạn cũng cho thấy nhiều bất ổn. Thay vì sử dụng các vây ổn định dạng gập, nhà sản xuất lại bố trí vây cố định nhỏ ở đuôi. Thiết kế này khiến độ chính xác khi bắn không cao, đầu đạn dễ bị chệch hướng trong điều kiện gió mạnh.
Bên cạnh đó, các vây dẫn hướng rất dễ gãy trong quá trình phóng. Những cố gắng để sửa chữa kéo dài trong 6 tháng, tiêu tốn 5 triệu USD nhưng không thành công. Việc cải tiến không làm cho đầu đạn tốt hơn mà còn thỉnh thoảng bị vỡ trong khi bay.
Ngoài các lỗi kỹ thuật, sức xuyên cũng là một vấn đề lớn. Đầu đạn của Viper chỉ có thể xâm nhập 300 mm giáp đồng chất. Trong khi Liên Xô đã phát triển các mẫu xe tăng bọc giáp tốt hơn như T-64, T-72, T-80.
Giai đoạn 1978 - 1979, tình báo Quân đội Mỹ thừa nhận rằng xe tăng mới của Liên Xô có giáp tốt hơn nhiều so với trước, trong khi sức xuyên của Viper không hề thay đổi.
10 triệu USD và 5 năm phát triển thất bại
Một vấn đề khác khiến chương trình Viper thất bại là sự xáo trộn về nhân sự. Năm 1974, Quân đội Mỹ quyết định điều chuyển Steven C. Walker và Bernie Cobb nhận công tác khác rồi thay thế hầu hết đội ngũ phát triển bằng những người thiếu kiến thức về ILAW.
Nỗ lực sao chép RPG-7 của Mỹ đã thất bại thảm hại |
Ba công ty tham gia đấu thầu chương trình ILAW, General Dynamics được tuyên bố chiến thắng do chào đơn giá thấp nhất, chỉ 78 USD/khẩu. Vũ khí mới được định danh là XM312 Viper, sau đó tái chỉ định thành FGR-17 Viper.
Tuy nhiên khẩu súng mà nhà sản xuất giới thiệu cho quân đội sau khi trúng thầu lại khác hẳn nguyên mẫu. Đội ngũ nhân sự mới đã thêm vào "những cải lùi", khiến thiết kế của nó trở thành thảm họa.
Đại tá Hubert O. Lacquement - Quản lý dự án thẳng thắn nói rằng vấn đề đối với chương trình Viper là không thể sửa chữa. Ông bị buộc phải nghỉ hưu. Người thay thế ông lại tiến hành một cuộc thanh lọc lớn, kết quả là những nhân sự am hiểu đều bị loại khỏi đội hình.
Các thử nghiệm với FGR-17 cho kết quả ngày càng tệ hại. Viper đã chứng minh nó không có khả năng chống ẩm trong điều kiện trời mưa chỉ 2 giờ, hoặc ngâm trong nước chỉ 4 phút, trong khi yêu cầu ban đầu là phải 48 giờ trong mưa.
Loại súng phóng lựu chống tăng dự định thay thế và bổ sung những thiếu sót của người tiền nhiệm M72 không thể phá giáp xe tăng T-62 chứ chưa nói đến các xe tăng hiện đại khác của Liên Xô. Nhưng thay vì chấm dứt chương trình Viper, Lục quân Mỹ lại tổ chức một cuộc họp kín để bí mật hủy bỏ các yêu cầu thay thế.
Quốc hội Mỹ bắt đầu hoài nghi về tính hiệu quả của dự án, ngay lập tức Lục quân Mỹ cùng với nhà sản xuất thay đổi câu chuyện, loại bỏ hầu hết các tài liệu tham khảo về xe tăng và đổi tên gọi chương trình thành "Vũ khí chống giáp".
Họ biện minh rằng 60% lực lượng tăng - thiết giáp Liên Xô được bọc giáp nhẹ và các xe tăng vẫn dễ tổn thương khi bị tấn công từ hai bên hông hoặc phía sau, cho nên Viper vẫn đáng giá.
Lục quân Mỹ đã cố chấp chịu không thừa nhận thất bại mà tiếp tục nỗ lực dập tắt những lời chỉ trích, thậm chí cho người làm giả các số liệu khảo sát để ca ngợi đặc tính kỹ chiến thuật của Viper, họ đã vùi dập ít nhất 3 bản báo cáo đệ trình lên Quốc hội yêu cầu hủy bỏ dự án.
Kế hoạch mua sắm ban đầu là 1.700.000 khẩu, sau đó giảm xuống 889.100 khẩu Viper. Năm 1982 lại giảm xuống còn 649.100 khẩu với đơn giá 882 triệu USD. Chỉ trong vòng 6 năm, chi phí cho chương trình Viper đã tăng hơn 1.000%.
Kết quả là với 5 năm nghiên cứu, tiêu tốn hết 10 triệu USD nhưng không thể cho ra đời khẩu súng phóng lựu chống tăng cá nhân tốt hơn M72. Sau nhiều bê bối, sang năm 1983, Quốc hội Mỹ quyết định can thiệp buộc chấm dứt chương trình FGR-17 Viper.
Dự án thất bại, Quân đội Mỹ hiện đang phải nhập khẩu và sản xuất loại Carl Gustaf của Thụy Điển để trang bị cho các đơn vị tác chiến của mình.
Theo Đức Anh (Trí Thức Trẻ)