Mạng xã hội tràn ngập những thông tin giả mạo liên quan đến vụ xả súng kinh hoàng tại Las Vegas (Mỹ).
Hiện trường vụ xả súng tại Las Vegas. |
Theo IBTimes, thông tin liên quan đến vụ xả súng được đánh giá là hết sức quan trọng, bởi nó có thể giúp cảnh sát bắt nghi phạm, cứu sống nhiều nạn nhân, ngăn chặn sự hoảng loạn... Nhưng cũng chính vì thế, nó cũng là cơ hội của những kẻ chuyên xuyên tạc tin tức cho mục đích riêng, đặc biệt là trên Google, Facebook, Twitter... vốn được coi là "kênh thông tin chính thống".
LATimes phát hiện, trên Google News trong mục đề xuất cao nhất (top stories) xuất hiện 2 đường dẫn từ trang 4chan, một diễn đàn có nhiều nội dung không lành mạnh, với nội dung về danh tính tay súng - người đàn ông 64 tuổi sống ở bang Nevada. Điều đáng nói là trang này lại thu thập thông tin từ The Gateway Pundit, một trang "tin vịt" khác.
Kết quả tìm kiếm trên Google xuất hiện tin giả mạo. |
Một bài viết khác trên 4chan cũng dẫn từ The Gateway Pundit cho rằng, kẻ xả súng là Geary Danley, một thành viên của đảng Dân chủ, nằm trong đội quân "bài Trump". Trong khi các nhà điều tra xác định Stephen Paddock là kẻ tình nghi duy nhất. Dù là thông tin xuyên tạc, nhưng nó lại được thích và chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Báo "lá cải" này sau đó phải gỡ bài dưới sức ép dư luận. Người phát ngôn Nhà Trắng Lucian Wintrich sau đó lên tiếng chỉ trích tin giả cũng như cách nó được phát tán thông qua Google News và các trang thông tin tương tự.
Không chỉ Google, Facebook cũng tràn ngập tin giả dù đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ những lần trước. Safety Check là tính năng kích hoạt sau khi xảy ra một thảm họa thiên tai hay vụ khủng bố, được người dùng trong khu vực nguy hiểm báo hiệu mình an toàn. Tuy nhiên, trên đó vẫn để lọt rất nhiều nội dung không đúng, thông tin "thêu dệt", kể cả tin từ The Gateway Pundit, khiến nhiều người phẫn nộ. Phía Facebook cũng nhanh chóng xin lỗi người dùng, đồng thời sửa sai bằng cách loại các thông tin giả, nhưng sự chậm trễ khiến nội dung vẫn bị phát tán với số lượng nhất định.
Tính năng Safety Check để lọt không ít tin giả. |
Twitter cũng "ngập" các thông tin sai sự thật liên quan đến xả súng tại Las Vegas với cả tài khoản không chính chủ như lấy hình ảnh ngôi sao khiêu dâm Johnny Sins, hay cầu thủ Arsenal Mesut Ozil làm đại diện.
Nhiều trang mạng khác cũng nỗ lực bài trừ tin giả. BuzzFeed thậm chí còn soạn hẳn một danh sách các bản tin sai sự thật được lan truyền trên mạng xã hội, trong đó, đề cập đến số người thiệt mạng, mất tích, bị thương và kẻ đứng sau vụ xả súng.
|
BuzzFeed còn lên hẳn danh sách các tin giả nhằm giúp độc giả phân biệt. |
Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)