Khoảnh khắc tàu chiến Nga đâm tàu Ukraine bị tố xâm phạm lãnh hải
Đài CNN ngày 2-12 đưa tin EU đã đạt được sự đồng thuận về trần giá dầu mỏ của Nga chỉ vài ngày trước khi lệnh cấm hầu hết hàng nhập khẩu của nước này có hiệu lực.
Thông tin trên được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen xác nhận trên mạng xã hội Twitter, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực trừng phạt Nga mà không gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế toàn cầu.
"Hôm nay, Liên minh châu Âu, G7 và các đối tác toàn cầu khác đã đồng ý đưa ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu vận chuyển bằng đường biển từ Nga" - Chủ tịch von der Leyen nói, đồng thời cho biết thêm họ sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga, giảm doanh thu của Moscow và ổn định thị trường năng lượng.
27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý áp giá trần dầu Nga ở mức 60 USD/thùng vào ngày 2-12. Việc giới hạn giá dầu của Nga trong khoảng từ 65-70 USD/thùng không làm ảnh hưởng nhiều tới Nga. Dầu thô Urals tiêu chuẩn của Nga trước đó được giao dịch trong hoặc gần mức đó. Các nước EU như Ba Lan và Estonia đang yêu cầu áp trần giá thấp hơn.
"Thỏa thuận trần giá dầu ngày hôm nay là một bước đi đúng hướng nhưng điều này là chưa đủ" - Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Urmas Reinsalu viết trên mạng xã hội Twitter ngày 2-12.
Theo đài CNN, Nga có thể trả đũa động thái của EU và G7 bằng cách cắt giảm sản lượng dầu, khiến thị trường chao đảo. Nga trước đây cảnh báo sẽ ngừng cung cấp dầu cho các quốc gia tuân thủ giới hạn giá dầu của nước này.
Một quan chức hàng đầu của Bộ Tài chính Mỹ cũng xác nhận trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng.
"Chúng tôi tin rằng mức giá trần sẽ giúp hạn chế Nga thu lợi từ thị trường dầu mỏ, qua đó tiếp tục tài trợ cho cuộc xung đột tại Ukraine" - điều phối viên phụ trách truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên. "Chúng tôi nghĩ rằng mức 60 USD/thùng là phù hợp và chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ phát huy tác dụng".
Giá dầu giảm mạnh kể từ mùa hè năm nay do lệnh phong tỏa COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc cùng với nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu giảm. Tổ chức OPEC và Nga đã công bố đợt cắt giảm sản lượng dầu lớn hồi tháng 10 nhưng ít gây tác động lâu dài đến giá dầu.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)