EU chuẩn bị trừng phạt 'lĩnh vực xương sống' của Nga

02/05/2022 09:18:44

Liên minh châu Âu đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này phát động tại Ukraine hôm 24-2.

Hai nhà ngoại giao EU tiết lộ với Reuters rằng gói trừng phạt thứ sáu dự kiến nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ - được xem là "xương sống" của nền kinh tế Nga - cùng các ngân hàng Nga và Belarus và nhiều cá nhân, công ty khác.

Hôm 1-5, Reuters cho biết một ủy ban điều phối phản ứng của EU đã tổ chức đàm phán với các nhóm đại diện cho các thành viên của khối này, mục đích tăng cường kế hoạch trừng phạt trong cuộc họp các đại sứ EU tại Brussels - Bỉ vào ngày 4-5 tới.

Các bộ trưởng năng lượng EU cũng sẽ gặp nhau ở Brussels trong ngày 2-5 để thảo luận về gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga.

EU chuẩn bị trừng phạt 'lĩnh vực xương sống' của Nga
Mỏ dầu Yarakta của Công ty dầu mỏ Irkutsk (INK) ở vùng Irkutsk - Nga. Ảnh: Reuters

Theo các nhà ngoại giao EU, một số thành viên của khối này - bao gồm Đức - có thể chấm dứt việc sử dụng dầu mỏ của Nga trước cuối năm 2022 song những quốc gia khác như Áo, Hungary, Ý và Slovakia lo ngại về tác động đến giá cả.

Một số quốc gia EU đề xuất giá tối đa mà họ sẵn sàng trả để mua dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, họ vẫn phải trả giá cao hơn cho nguồn cung cấp dầu mỏ từ nơi khác.

Trong khi đó, quan chức Hungary Gergely Gulyas hôm 1-5 tiết lộ 10 quốc gia EU đang âm thầm mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Theo ông Gulyas, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu công khai tuyên bố sẽ không mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp như Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu nhưng 10 quốc gia kể trên về mặt kỹ thuật vẫn tuân thủ yêu cầu đó.

Ông Gulyas - Chánh văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban - xác nhận Hungary đã mở một tài khoản đồng euro với ngân hàng Gazprombank (Nga), sau đó đổi các khoản thanh toán thành đồng rúp trước khi chuyển cho các nhà cung cấp ở Nga.

Không rõ 9 quốc gia EU còn lại mà ông Guylas đề cập tới. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga trước đó cắt nguồn cung cấp khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria sau khi cả hai từ chối trả tiền bằng đồng rúp. Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg tuần trước cho hay 10 quốc gia EU đã lập tài khoản với Gazprombank và ít nhất 4 quốc gia đã trả tiền mua khí đốt của Nga bằng cách thức được ông Guylas nêu ở trên.

Hungary phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga và lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt của EU đối với hàng hóa quan trọng này. Ông Guylas tuyên bố Hungary sẽ tiếp tục mua năng lượng với giá rẻ nhất có thể.

Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)

Nổi bật