"Em gái cõng búp bê,
Đi đến vườn ngắm hoa anh đào.
Búp bê khóc gọi mẹ,
Con chim trên cây cười ha ha.
Một ngày bố say,
Nhặt rìu và đi về phía mẹ.
Bố đã chặt rất nhiều,
Máu đỏ nhuộm đỏ bức tường.
Đầu của mẹ lăn dưới gầm giường,
Mắt mẹ vẫn nhìn tôi.
Bố yêu cầu tôi giúp đỡ,
Chúng tôi chôn mẹ dưới gốc cây.
Rồi bố giơ rìu lên,
Lột da tôi để làm búp bê,
Chôn dưới gốc cây để tôi đi cùng mẹ".
Những câu hát mang giai điệu trầm buồn và u ám này được trích từ bài hát "Em gái cõng búp bê", một trong những ca khúc kinh dị làm cho nhiều người phải sởn tóc gáy không chỉ bởi nội dung bài hát quá khủng khiếp mà còn bởi nhiều câu chuyện xoay quanh nguồn gốc của nó. Đây cũng là một trong "thập đại cấm khúc" mà theo nhiều lời đồn đại, những ai dám nghe đều có kết cục không may mắn, tinh thần u uất dẫn đến trầm cảm thậm chí là tự sát.
Thực tế bài hát "Em gái cõng búp bê" hay còn có tên khác là "Búp bê trong vườn" là bài hát thiếu nhi vô cùng nổi tiếng của tác giả người Đài Loan, Chu Bá Dương. Bài hát được sáng tác vào năm 1952. Tác phẩm với ca từ trong sáng và hồn nhiên sau đó đã được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh mẫu giáo và cấp 1 của Đài Loan.
Sau này, một người nào đó đã chuyển thể bài hát thiếu nhi này trở thành phiên bản chết chóc đẫm máu trên nền nhạc từ một bộ phim hoạt hình Nhật Bản có tên "Đó chỉ là câu chuyện cổ tích". Không ngờ rằng bài hát với giai điệu ám ảnh bỗng được lan truyền rộng rãi, gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhiều người.
Cùng với mức độ nổi tiếng của bài hát, trên mạng cũng bắt đầu xuất hiện những phiên bản khác nhau về nguồn gốc của lời bài hát.
Phiên bản đầu tiên, người ta nói rằng trước đây ở Nhật Bản có một bé gái bị lạc mẹ trong rừng. Sau khi chết đi, linh hồn bé gái đã nhập vào con búp bê mà cô bé mang theo bên người. Sau đó một cô bé khác vô tình nhặt được con búp bê này đem về nhà chơi. Khi cô bé đưa búp bê ra vườn ngắm hoa, bắt bướm thì bỗng nghe được tiếng khóc gọi mẹ từ con búp bê.
Phiên bản khác kể rằng, thời xưa có một bé gái vô cùng xấu xí là con gái của một vị tướng quân Nhật. Càng lớn, cô bé này càng xấu, xấu đến mức ngay cả gia đình không ai muốn tiếp xúc hay gặp gỡ. Chính vì vậy bé gái luôn thu mình, không nói chuyện với ai và suốt ngày nhốt mình trong phòng ngủ.
Người bạn duy nhất của cô bé này là một con búp bê nhỏ. Đến sinh nhật 15 tuổi, cô bé quyết định treo cổ lên xà nhà tự tử. Nhưng vì không ai vào phòng nên mãi đến khi mái tóc cô bé tiếp tục dài chạm đất, bộ quần áo chuyển từ màu trắng sang màu đỏ của máu thì mới được mọi người phát hiện.
Người mẹ tự trách mình sau cái chết của con gái nên thường ôm con búp bê mà khóc thương, cuối cùng bà cũng sớm qua đời vì u uất.
Kể từ đó, tại phủ tướng quân thường xuất hiện những tiếng khóc lóc đòi mẹ. Vì quá sợ hãi, vị tướng quân đã nhờ người khắc một cái mặt mèo trên mặt con búp bê cũ của con gái quá cố. Ông còn đặc biệt căn dặn thợ mộc không được khắc phần miệng con mèo.
Con búp bê này sau đó được tướng quân cất giữ cẩn thận trong nhà cho đến khi bị thất lạc vì chiến tranh. Có người nói con búp bê đã lưu lạc đến một gia đình khác, trở thành vật yêu thích của một cô bé.
Đến một ngày, khi cô bé bế búp bê ra vườn ngắm hoa anh đào thì chết lặng khi nghe được tiếng khóc thút thít. Đến khi nhìn kỹ lại, hóa ra con búp bê mặt mèo đang rơi nước mắt và gọi "Mẹ ơi!".
Vì mức độ ám ảnh của bài hát kinh dị đồng thời những câu chuyện về nguồn gốc bài hát ngày càng được thêu dệt nhiều hơn, đến năm 2010, tác giả bài hát gốc đã phải lên tiếng thanh minh.
Ông cho biết bài hát "Em gái cõng búp bê" được sáng tác như một món quà sinh nhật để tặng cho một người bạn. Ông cũng bác bỏ các tin đồn đáng sợ xoay quanh lời bài hát và khẳng định bài hát không liên quan gì đến bối cảnh bên Nhật cũng không hề có lịch sử rùng rợn nào phía sau nó.
Theo Song Kỳ (Pháp Luật & Bạn Đọc)