Elon Musk vẫn được bênh vực dù xúc phạm thợ lặn giải cứu đội bóng nhí Thái
22/07/2018 14:31:49
Giới chuyên gia cho rằng công chúng thường dễ bỏ qua lỗi lầm của các lãnh đạo có nhiều thành tựu nổi bật như Elon Musk.
Elon Musk tuần này gây tranh cãi khi gọi thợ lặn người Anh Vernon Unsworth là "ấu dâm" trên Twitter, sau khi Unsworth nói rằng chiếc tàu ngầm mini Musk chế tạo cho hoạt động giải cứu đội bóng nhí Thái không có tác dụng và mỉa mai nó là chiêu trò PR. Đội cứu hộ Thái đã từ chối sử dụng chiếc tàu này khi đưa đội bóng nhí kẹt trong hang Tham Luang từ ngày 23/6 ra ngoài trong các chiến dịch giải cứu ngày 8-10/7.
Các cổ đông Telsa đã rất tức giận, chỉ trích Musk là ấu trĩ và yêu cầu ông xin lỗi thợ lặn, giá cổ phiếu của Tesla hôm 16/7 giảm 2,75%. Musk sau đó xóa dòng tweet nói trên và đưa ra lời xin lỗi. "Tôi đã viết lời lẽ không hay trong lúc nóng giận", ông viết. "Đây là lỗi của tôi, một mình tôi thôi", tỷ phú viết.
Tuy nhiên, người hâm mộ trên mạng xã hội đã tích cực bênh vực Musk, nói rằng việc đáp trả khi bị nói kháy là điều bình thường mặc dù họ cũng thừa nhận việc ông sử dụng ngôn ngữ xúc phạm là sai.
Một độc giả gửi thư về Guardian nói rằng: "Tôi không nghĩ ông ấy thực sự có ý đó". Những người khác cho rằng cần phải đặt lời của Musk vào ngữ cảnh để hiểu rõ (câu giễu cợt của thợ lặn Unsworth khi trả lời phỏng vấn có thể được hiểu là ám chỉ Musk có hành động tình dục với chiếc tàu ngầm).
Một số người cho rằng mặc dù bình luận đi quá giới hạn thì vẫn có thể thông cảm được vì "niềm tự hào về kỹ thuật công nghệ của Musk bị tổn thương". Họ chỉ trích những người lên án Musk là đạo đức giả, đặt câu hỏi rằng họ đã làm được gì để giúp đội bóng trong khi tỷ phú đã bỏ công sức chế tạo, thử nghiệm và đưa tàu đến Thái Lan.
Tuy nhiên, theo Washington Post, các chuyên gia nghiên cứu về lãnh đạo và động lực tâm lý không ngạc nhiên khi thấy nhiều người vẫn ủng hộ Musk dù ông có hành vi gây tranh cãi. Đây là trường hợp thường thấy với những lãnh đạo có sức lôi cuốn đặc biệt, xây dựng được mối liên hệ cảm xúc với công chúng. Họ nêu ví dụ rằng người ủng hộ của Trump vẫn trung thành dù ông có nhiều hành động trái với chuẩn mực thông thường của một tổng thống.
Musk, 47 tuổi, là nhà phát minh, doanh nhân, tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi. Ông là người sáng lập SpaceX, đồng sáng lập Tesla Motors, PayPal và sở hữu số tài sản ước tính lên tới 13,1 tỷ USD. Musk được xem là người đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thanh toán trực tuyến, phát triển năng lượng sạch và các hệ thống giao thông tiên tiến, chinh phục không gian.
Jay Conger, giáo sư Đại học Claremont McKenna giải thích rằng khi một cá nhân thuộc cộng đồng lớn như người ủng hộ Trump hay người hâm mộ Musk thì người đó sẽ cố đưa ra lập luận mà họ tin là đúng về một lãnh đạo.
Việc đó càng đúng đối với những lãnh đạo mạnh mẽ. "Phá vỡ quy tắc chính là nét hấp dẫn của những người này", ông nói. "Mọi người có khuynh hướng dễ chấp nhận những việc làm bất thường của họ và chính điều đó khiến họ hấp dẫn hơn".
Những người ủng hộ "xem họ là cánh cửa dẫn đến một tương lai tươi sáng và thường dễ tha thứ hơn cho những nhược điểm của họ", ông đánh giá.
Gabrielle Adams, giáo sư tại Đại học Virginia nhận xét những người vốn thích Musk thấy lời xin lỗi của ông là đầy đủ, trong khi những người không thích có thể cho rằng nó hời hợt.
"Đây cũng là những hiện tượng tương tự với trường hợp của Trump. Tổng thống không sai khi nói rằng ông có những người ủng hộ trung thành nhất", bà nói.
Peter Harms, giáo sư tại Đại học Alabama, nói rằng các lãnh đạo dễ được bỏ qua lỗi lầm vì những cống hiến của họ. "Khi bạn làm được những điều tuyệt vời và có tầm nhìn xa trông rộng, mọi người cho rằng bạn có "công trạng với xã hội" và điều cho phép bạn hành động theo những cách kỳ quặc mà bình thường bạn sẽ bị trừng phạt", ông nói.
Đối với một lãnh đạo có nhiều thành tựu, "chúng ta có thể chấp nhận để họ hành động kỳ quặc hoặc thậm chí có hành vi sai trái đến một mức độ nào đó", ông nói nhưng cảnh báo rằng có giới hạn với cách nhìn này. Nếu họ đi quá đà, "các công trạng đó cũng không thể cứu được họ", ông nhấn mạnh.
Một số người dùng Twitter cho rằng đòn tấn công của Musk chỉ đơn giản là phản đòn trước Unsworth. Tâm lý "đã ăn miếng thì phải trả miếng mạnh hơn" này có thể hấp dẫn đối với những người cảm thấy họ đồng cảm với các lãnh đạo, Harms đánh giá.
"Khi các lãnh đạo tức giận, họ hiện lên chân thực, gần gũi giống những người bình thường khác, khiến bạn cảm thấy đồng cảm với họ hơn", ông nói.