Bất đồng giữa ông Elon Musk và ông Trump
Tỷ phú Elon Musk là một trong những nhân vật ủng hộ nhiệt thành nhất đối với Tổng thống Trump trong suốt quá trình tranh cử và khi lên nắm quyền, nhưng khi nói đến chính sách thuế quan đang làm rung chuyển thị trường toàn cầu của chính phủ Mỹ, ông đã lên tiếng phản đối.
Cuối tuần qua, Giám đốc điều hành tập đoàn Tesla đã chỉ trích chính sách thuế quan đối ứng của tổng thống, đồng thời công kích Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro – người được xem là kiến trúc sư trưởng của chính sách này.
Phát biểu trong cuộc họp với các chính trị gia Italy, ông Elon Musk cho biết ông hy vọng sẽ có một "hệ thống thuế quan bằng không" giữa châu Âu và Mỹ, và đã có những lời chỉ trích gay gắt với Navarro.
"Những gì ông ấy nói ở đây là hoàn toàn không đúng sự thật", ông Elon Musk phản bác trên mạng xã hội X. Trong một bình luận khác, ông Musk thậm chí còn chế tên của ông Navarro thành "Peter Retarrdo", hàm ý quan chức Nhà Trắng 73 tuổi này không đủ sáng suốt.
Tờ Washington Post đưa tin, ông chủ tập đoàn Tesla đã kêu gọi ông Trump đảo ngược kế hoạch thuế quan toàn diện của ông vào cuối tuần, nhưng không thành công. Hiện, ông Elon Musk chưa lên tiếng về thông tin này.
Hôm 7/4, khi thị trường toàn cầu giảm trong ngày thứ ba liên tiếp sau khi chính quyền Trump tăng mức thuế đối ứng, ông Elon Musk đã đăng một video về nhà kinh tế học huyền thoại Milton Friedman, ca ngợi những lợi ích của thương mại tự do.
Tỷ phú Elon Musk từ lâu luôn giữ lập trường phản đối việc áp thuế, ngay cả khi điều này có lợi cho doanh nghiệp của ông. Năm 2024, tỷ phú này đã lên tiếng phản đối mức thuế 100% của chính quyền thống Joe Biden đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Việc áp thuế này đã khiến đối thủ của Tesla là BYD không thể tham gia cạnh tranh tại thị trường Mỹ
"Tesla cạnh tranh khá tốt trên thị trường Trung Quốc mà không phải chịu thuế quan và không có sự phân biệt đối xử. Nhìn chung, tôi ủng hộ việc không áp dụng thuế quan", ông Elon Musk nói vào thời điểm đó.
Cơn đau đầu của Tesla
Giới phân tích cho rằng, mức thuế quan mà ông Trump công bố kể từ khi trở lại nắm quyền gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với Tesla.
Theo quyết định của chính phủ Mỹ, kể từ ngày 2/4, tất cả các loại ô tô và xe tải nhẹ nhập khẩu vào nước này sẽ chịu mức thuế 25%, tăng gấp 10 đến 25 lần so với mức thuế trước đây mà Washington áp dụng đối với Liên minh châu Âu và Nhật Bản (2,5%), Hàn Quốc (0%). Mức thuế nhập khẩu tương tự (25%) cũng sẽ được áp dụng với một số phụ tùng lắp ráp ô tô bắt đầu từ ngày 3/5 tới đây.
Mặc dù nhà sản xuất xe điện Tesla có vị thế tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh để ứng phó với mức thuế mới, nhưng họ vẫn phải tăng chi phí để mua các bộ phận mà Tesla nhập khẩu vào Mỹ.
Theo một số tài liệu, khoảng 25% linh kiện của Model Y được sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Ông Elon Musk đã cảnh báo rằng mức thuế quan mới sẽ gây ra tác động “đáng kể” đối với công ty. Chính sách thuế quan đối ứng không trực tiếp đe dọa Tesla, nhưng sự hỗn loạn của thị trường đã gây ra sự sụt giảm đáng báo động đối với cổ phiếu của tập đoàn.
Giá cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô này đã giảm hơn 11% trong 5 ngày qua trong bối cảnh thị trường chung suy thoái, và hiện đã giảm 38% kể từ đầu năm đến nay. Sự sụt giảm đó đã đẩy giá trị tài sản ròng của ông Elon Musk xuống dưới 300 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2024. Ngoài mức thuế mới, tỷ phú Elon Musk cũng lo ngại về hậu quả của cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Rủi ro từ sự trả đũa của Trung Quốc
Giống như các công ty khác của Mỹ, Tesla phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của Tesla và là nơi đặt đặt nhà máy lớn của tập đoàn. Điều đó khiến Tesla trở thành mục tiêu dễ dàng nếu chính phủ Trung Quốc quyết định trả đũa chính sách thuế của Mỹ.
Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế lẫn nhau vào ngày 7/4. Bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ "chiến đấu đến cùng".
Các nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến người tiêu dùng Trung Quốc xa lánh Tesla để ủng hộ các thương hiệu trong nước.
"Người tiêu dùng Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng dữ dội với chính sách thuế quan mới của ông Trump và điều này sẽ thúc đẩy họ mua xe điện ở trong nước, của các nhãn hàng như BYD, Nio", nhà phân tích của Wedbush lưu ý.
Sự gia tăng ưu thế của các thương hiệu tại Trung Quốc sẽ đe dọa vị thế vốn đã bấp bênh của Tesla tại quốc gia này. Tesla đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ địa phương và đã tụt hậu so với BYD trong cuộc đua trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Với doanh số bán hàng sụt giảm trên toàn cầu tập đoàn Tesla của tỷ phú Elon Musk sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Theo Hồng Anh (Vov.vn)