Ecuador tốn hàng triệu USD để do thám, bảo vệ nhà sáng lập WikiLeaks

16/05/2018 13:47:59

Các tài liệu cho thấy Ecuador đã chi tối thiểu 5 triệu USD cho các hoạt động do thám nhằm bảo vệ ông Julian Assange tại đại sứ quán nước này ở London.

Theo các tài liệu được tìm thấy bởi Guardian, Ecuador đã chi nhiều triệu USD cho các hoạt động gián điệp nhằm bảo vệ và hỗ trợ ông trùm WikiLeaks, Julian Assange,  trong thời gian 5 năm ông tị nạn tại đại sứ quán nước này ở London. Chính phủ Ecuador đã thuê một công ty an ninh quốc tế và các mật thám để giám sát khách khứa, nhân viên sứ quán và thậm chí cả cảnh sát Anh.

Trong đó, Ecuador đã chi trả hơn 5 triệu USD để theo dõi chặt chẽ các chuyến viếng thăm đến sứ quán của ông Nigel Farage, thủ lĩnh Đảng Độc lập Anh, và các cá nhân liên quan đến điện Kremlin. Một số vị khách khác bao gồm các hacker, các nhà hoạt động xã hội, luật sư và nhà báo.

Ecuador tốn hàng triệu USD để do thám, bảo vệ nhà sáng lập WikiLeaks
Nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, phát biểu từ ban công Đại sứ quán Ecuador tại London ngày 5/2/2016. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, WikiLeaks đã rò rỉ một loạt các email liên quan đến đảng Dân chủ Mỹ và chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. Vào tháng trước, Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Mỹ đã đệ đơn kiện chính phủ Nga và WikiLeaks vì tội âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump.

Một điều tra của Guardian và Focus Ecuador cho thấy các hoạt động do thám này nhận được sự đồng thuận của cựu tổng thống và cựu ngoại trưởng Ecuador.

Tuy nhiên, các hoạt động gián điệp liên quan đến ông Assange chỉ là một phần trong các chi phí đặc biệt của Cơ quan Tình báo Quốc gia Senain. Trong hai tháng đầu tiên của ông Assange tại đại sứ quán, Senain đã chi 22,5 triệu USD cho 38 hoạt động do thám khác được gọi bằng các biệt hiệu “mật thám”, “phản gián”, và “Venezuela”. Các tài liệu cũng cho biết Senain đã thực hiện những khoản thanh toán hàng triệu USD để mua phần mềm gián điệp từ các công ty tình báo trên Internet.

Hiện chưa rõ chính phủ Ecuador đã sử dụng các công cụ tình báo này như thế nào. Nhưng các phóng viên điều tra tại Ecuador thường phải chuyển trang web ra nước ngoài để phòng tránh ăn cắp dữ liệu và tấn công mạng. Một số các nhà báo đã bị kết tội tại tòa và phải đối mặt với các khoản phạt và tội danh hình sự, thậm chí còn bị ép buộc lưu vong.

Tổng thống Ecuador Lenín Moreno đã đóng cửa Senain vào tháng 3. Ông giải thích hành động này là để “bảo vệ an ninh quốc gia”, một câu trả lời phản bác sự nhiệt tình mà Senain từng dành cho việc bảo vệ một người có rất ít liên quan đến Ecuador.

Theo Ngọc Linh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật