Được Mỹ ‘mở khóa’, Ukraine lần đầu dùng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga

19/11/2024 20:33:37

Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đã có lần đầu tiên sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ để tập kích các khu vực bên trong lãnh thổ Nga.

Theo Bộ quốc phòng Nga, vào lúc 3h25 sáng nay theo giờ địa phương, Ukraine đã tấn công một cơ sở ở tỉnh Bryansk bằng 6 tên lửa đạn đạo. Theo dữ liệu được xác nhận, Ukraine đã sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất.

Đây là lần đầu tiên Ukraine sử dụng một vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công bên trong lãnh thổ Nga kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.

"Đối thủ đã phóng 6 tên lửa ATACMS về phía vùng Bryansk. 5 quả tên lửa trong số này bị các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir bắn hạ, 1 quả khác bị hư hại và rơi xuống một căn cứ quân sự trong khu vực, gây ra một vụ hỏa hoạn nhỏ. Không có thiệt hại về người được ghi nhận trong vụ việc", phía Nga cho biết.

Được Mỹ ‘mở khóa’, Ukraine lần đầu dùng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga
Tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin

Phía Ukraine nói rằng đã tấn công vào kho vũ khí nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 110 km, tuy nhiên không nêu rõ đã sử dụng vũ khí nào.

Đồng thời, hãng tin RBC của Ukraine dẫn nguồn tin quan chức quân đội Ukraine nói rằng Kyiv ngày 19/11 đã lần đầu dùng ATACMS tập kích lãnh thổ Nga. “Đòn tấn công nhằm vào cơ sở tại khu vực Bryansk và trúng mục tiêu”, nguồn tin cho biết.

Theo Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, với tầm bắn 300km, ATACMS có thể tấn công ít nhất 245 mục tiêu quân sự của Nga, bao gồm 15 căn cứ không quân nằm ở các vùng Bryansk, Kaluga, Kursk, Lipetsk, Voronezh, Rostov và Krasnodar.

Ukraine nhận lô tên lửa ATACMS đầu tiên vào tháng 10/2023 với 20 quả đạn tầm ngắn mang đầu đạn chùm có tầm bắn 165 km. Mỹ hồi tháng 3 chuyển lô ATACMS tầm bắn 300 km cho Ukraine.

Cách đây không lâu, truyền thông Mỹ đã đưa tin về việc Tổng thống Biden đồng ý để Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của nước này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Trong cùng ngày 19/11, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức phê duyệt học thuyết hạt nhân mới của Nga, một động thái để đáp trả việc Mỹ nới lỏng giới hạn vũ khí cho Ukraine.

Vào tháng 9, Điện Kremlin cảnh báo rằng việc Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây sẽ là động thái leo thang nghiêm trọng, khiến NATO can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.

Minh Ngọc (SHTT)

Nổi bật