Trong khi cuộc chiến chống dịch Covid-19 trở nên khốc liệt ở khắp nước Mỹ, nhân viên y tế tại các bệnh viện nhỏ hoặc vùng nông thôn lại đang bị đình chỉ, cho nghỉ không lương hoặc ngưng hợp đồng.
Nghịch cảnh y bác sĩ thất nghiệp giữa cao trào dịch bệnh
Leanne Helmerich nằm trong số 600 nhân viên y tế đang nghỉ không lương từ Hệ thống y tế Hillcrest, bang Oklahoma. Lí do vì bệnh viện tái cơ cấu nhân sự để ứng phó dịch Covid-19 và quyết định cắt giảm nhân sự. Cô Helmerich chỉ được quay lại làm việc khi nhu cầu "tăng trưởng trở lại".
"Quyết định của bệnh viện tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của chúng tôi. Nhưng trên hết, tôi lo không còn tiền để trang trải cuộc sống" - nữ y tá cho biết.
Một hoàn cảnh éo le khác là Abby Cachero, ký hợp đồng làm y tá tại Trung tâm y tế Integris Baptist, bang Oklahoma. Thế nhưng khi dịch Covid-19 ập tới, chỉ phòng cấp cứu còn hoạt động năng suất. Những y tá ở khoa khác bị cắt giảm giờ làm và cuối cùng lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
Cachero chia sẻ: "Tôi không biết mình còn hạn hợp đồng hay không. Tôi đang thảo luận với nhà tuyển dụng về khả năng sẽ rời khỏi tiểu bang để tìm công việc mới".
Theo thống kê của Altarum - một tổ chức phi chính phủ về bảo hiểm sức khỏe, có đến 43.000 nhân viên y tế đã thấp nghiệp trong tháng 3 vừa qua, mức sụt giảm cao nhất trong vòng 3 thập kỉ.
Ngay cả các nhân viên y tế được đào tạo để chiến đấu với dịch bệnh như Covid-19, cũng đã mất việc tại nhiều địa phương nước Mỹ. Ben McGuire đã ký hợp đồng làm y tá tại phòng chăm sóc tích cực (ICU) suốt 2 năm tại một bệnh viện ở Oklahoma. Gần đây, khi chuẩn bị chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở phòng ICU, McGuire anh được thông báo hủy bỏ tất cả ca trực.
"Tôi đang thay đồng phục thì biết tin ca trực bị hủy bỏ. Quá bất ngờ, chúng tôi vốn bận rộn kinh khủng ở phòng ICU, cố gắng cứu lấy những sinh mạng" - anh McGuire bày tỏ.
Trên thực tế, các bệnh viện ở Oklahoma đã bị cuốn theo một chiều hướng của toàn ngành y nước Mỹ. Họ đã ngừng lại toàn bộ các ca phẫu thuật không khẩn cấp, dọn đường cho việc điều trị người nhiễm Covid-19 khi dịch bùng phát mạnh mẽ. Sự chuẩn bị này là hợp lý và cần thiết, tuy nhiên cũng gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
"Nhìn nhận thẳng thắn, các ca phẫu thuật chính là nguồn sống của hầu hết bệnh viện. Chi phí phẫu thuật chiếm từ 50 đến 60% doanh thu" - theo chia sẻ của Mary Dale Peterson, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ gây mê Hoa Kỳ.
CEO Kevin Gross từ Hệ thống y tế Hillcrest cho biết, các chi nhánh bệnh viện của họ đã hủy bỏ 75% số ca phẫu thuật, khiến doanh thu vô cùng ảm đạm. Cuối cùng, Hillcrest chọn cách cắt giảm nhân sự "để cân bằng nguồn lực nhằm đối phó với tác động kinh tế hiện giờ".
Y bác sĩ vùng nông thôn: Đi không đặng, ở chẳng đừng
Nhiều bệnh viện tại New York hay New Jersey - tâm dịch Covid-19 ở Mỹ - đang tuyển dụng số lượng lớn nhân viên khoa cấp cứu. Mức lương có thể lên tới 6.000 USD/tuần. Thậm chí, thị trưởng New York, ông Bill de Blasio, còn kêu gọi y bác sĩ khắp cả nước hãy đến giúp đỡ cho thành phố. Cùng lúc đó ở vịnh San Francisco và thành phố Chicago, nhiều bệnh viện nhà nước cũng đang đỏ mắt tìm kiếm bổ sung nguồn nhân lực.
Điều trớ trêu là y bác sĩ vùng nông thôn sẽ không dễ dàng rời đi. Y tá Colby Pacheco đang nghỉ không lương ở Oklahoma và có thể sẽ mất việc hoàn toàn trong thời gian tới. Anh đang cân nhắc rời khỏi tiểu bang, đến những điểm nóng dịch bệnh để giúp đỡ. Bằng cách đó, anh có thể hỗ trợ các đồng nghiệp, giúp đỡ bệnh nhân và "giải cứu" chính mình.
Nhưng Pacheco cho biết: "Tôi bị mắng là kẻ hèn nhát, bị tiền mua chuộc và nhẫn tâm bỏ quê hương giữa lúc đại dịch Covid-19 kéo tới. Khi tôi giải thích là mình không còn việc làm ở đây nữa, họ nói cần phải quyết tâm và làm tròn trách nhiệm công nhân, hãy ở lại".
Bỏ qua tất cả những mâu thuẫn, Pacheco hi vọng tất cả bệnh viện ở Mỹ và người dân nói chung đừng quên đi điều quan trọng nhất: sứ mệnh của y bác sĩ là chữa bệnh cứu người.
"Chúng tôi đang ở trong tình trạng thật kỳ quái. Là một y tá mà lại mất việc làm giữa mùa dịch bệnh. Tôi chỉ hi vọng chuyện làm ăn to tát đừng giẫm chân lên các y tá, khi họ vẫn đang nỗ lực làm việc và cứu chữa bệnh nhân" - Pacheco cho biết.
Theo Jayden (Tổ Quốc)