Đứng tim trước cảnh bé trai cheo leo một mình ngoài ban công tầng 3, hàng xóm run rẩy giải cứu

30/10/2024 13:33:54

Khoảnh khắc khiến nhiều người theo dõi vô cùng lo sợ.

Trẻ con thường hiếu động, nghịch ngợm và chưa biết những rủi ro có thể tiềm ẩn xung quanh nhà. Nếu con còn nhỏ, bố mẹ chủ quan không che chắn những nơi như cửa sổ, ban công, ổ điện... thì tình huống nguy hiểm hoàn toàn có thể xảy ra.

Giống như câu chuyện của em bé khoảng chừng 2-3 tuổi trong đoạn video dưới đây. Sự việc được cho là xảy ra tại Singapore. Ngay khi phát hiện em bé, hàng xóm đã phân công nhau tìm cách giải cứu. Trong khi 1 người tìm cách lên tầng 3, phía ban công nơi cháu bé đứng thì khoảng 5-6 người khác dùng bạt đỡ phía dưới phòng tình huống nguy hiểm.

Mọi nhất cử nhất động của bé đều được theo sát phòng trường hợp xấu nhất. Người hàng xóm khi tiếp cận được em bé tay chân run rẩy, cẩn thận từng bước và cuối cùng cũng thành công bế em bé vào nhà bằng đường cửa sổ.

Theo như người đăng tải clip, một số người hàng xóm đã nhấn chuông căn hộ nhưng không một ai trả lời. Trong tình huống cấp bách, họ đã tiếp cận được ban công và giải cứu em bé an toàn.

Đứng tim trước cảnh bé trai cheo leo một mình ngoài ban công tầng 3, hàng xóm run rẩy giải cứu
Khoảnh khắc thót tim, người đàn ông tay chân run rẩy cứu bé trai

Nhiều người theo dõi clip cảm thấy thót tim vì quá sợ hãi, chưa hiểu tại sao em bé lại ra ngoài cửa sổ mà không có bố mẹ hoặc người thân ở bên. May mắn vì em bé này được phát hiện và cứu thành công, nếu không họ không chắc sẽ có tình huống xấu nào xảy ra.

Một số người cũng bất bình khi chứng kiến ban công của ngôi nhà không có bất kì thứ gì che chắn, vô cùng nguy hiểm khi nhà có trẻ nhỏ. Cha mẹ có con nhỏ cần lưu ý, chắc chắn bố mẹ em bé khi theo dõi clip này cũng sẽ rất sợ hãi. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho các gia đình có con nhỏ.

Thiết kế nhà cho trẻ nhỏ cần lưu ý 5 nguyên tắc sau, đảm bảo môi trường sống an toàn cho các bé

1. Lưu ý an toàn ở ban công và cửa sổ

Đây chính là 2 khu vực cần chú ý nhất đối với một ngôi nhà có trẻ nhỏ. Trẻ rất hiếu động, nghịch ngợm nên dễ xảy ra sự việc đáng tiếc nếu bố mẹ không trông nom con cái cẩn thận. Vì thế, tốt nhất, cha mẹ nên chuẩn bị trước bằng cách rào chắn, thiết kế một cách an toàn. Cụ thể, có một số lưu ý như sau:

- Tránh sử dụng các thanh ngang vì trẻ rất dễ vịn vào và trèo lên. Ở các tòa nhà cao tầng, khu vực ban công thường được rào chắn (hay còn gọi là chuồng cọp).

- Các khe hở của lan can cần nhỏ hơn đường kính 10cm để tránh trẻ có thể chui qua hoặc vướng vào. Sử dụng lưới an toàn là một giải pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ trên ban công.

Đứng tim trước cảnh bé trai cheo leo một mình ngoài ban công tầng 3, hàng xóm run rẩy giải cứu - 1

- Trong trường hợp cần thoát hiểm khẩn cấp, lưới an toàn có thể được cắt bằng kìm cộng lực. Ngoài ra, cần thiết kế một số khu vực thoát hiểm riêng nếu xảy ra hỏa hoạn.

- Tại ban công, cửa sổ, hạn chế đặt các vật cao vì trẻ có thể dễ dàng leo lên một mình rất nguy hiểm.

- Chiều cao tối thiểu từ sàn đến cửa sổ nên từ 1m trở lên. Với nhà có trẻ nhỏ thích nghịch ngợm, hiếu động, không nên chỉ kéo rèm mà cần lắp lưới bảo vệ.

2. Chú ý về cầu thang và lan can

Đây là một trong những lo lắng của các phụ huynh khi mua nhà đất có nhiều tầng. Trẻ nhỏ hoàn toàn có thể bám, vịn, trượt xuống, thậm chí "thử thách" gây ra sự việc nguy hiểm. Chính vì thế, việc thiết kế lan can cho nhà có trẻ nhỏ cũng cần phải lưu ý. Cụ thể:

- Khoảng cách giữa các thanh dọc của cầu thang cần đảm bảo không cho phép trẻ nhỏ dưới 6 tuổi chui lọt qua.

Đứng tim trước cảnh bé trai cheo leo một mình ngoài ban công tầng 3, hàng xóm run rẩy giải cứu - 2

- Tay vịn của cầu thang cần đảm bảo chiều cao từ 900mm trở lên, chắc chắn và có thể nắm chặt được.

- Với gia đình có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, tốt nhất nên lắp thanh chắn ở lối xuống cầu thang.

- Cầu thang có bậc thang hở cũng dễ gây nguy hiểm cho trẻ nếu chúng có độ hở quá rộng.

- Bề mặt các bậc thang nên làm chống trượt để tránh trường hợp trẻ vấp ngã sẽ rất nguy hiểm.

3. Nội thất không có cạnh sắc nhọn

Những đồ dùng có cạnh nhọn, sắt, làm từ các chất liệu như pha lê, sành, sứ quả thực rất đẹp mắt và hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng lại không hề an toàn cho trẻ, đặc biệt là với những trẻ mới biết đi hiếu động và nghịch ngợm. Tốt nhất, với gia đình có con nhỏ, nên bọc, bo đầu cạnh sắc nhọn. Hoặc tốt hơn nên sắm các vật dụng có hình dáng bầu dục, tròn...

Đứng tim trước cảnh bé trai cheo leo một mình ngoài ban công tầng 3, hàng xóm run rẩy giải cứu - 3

Theo các chuyên gia khuyến cáo, nên chú ý không sử dụng các loại vật liệu dễ gây dị ứng và ảnh hưởng các vấn đề sức khỏe. Hạn chế các vật liệu nặng như kim loại vì dễ gây tổn thương cho trẻ. Ưu tiên sử dụng các vật liệu từ gỗ, nhựa, bông... vừa nhẹ vừa đảm bảo an toàn.

4. Sàn nhà cần chống trơn trượt

Đây cũng là một trong các yếu tố cần chú ý vì trẻ rất thích chạy nhảy, nô đùa. Một số loại chất liệu làm sàn được nhiều người tin tưởng lựa chọn có thể kể đến gỗ. Bề mặt gỗ có độ bám dính cao, giảm nguy cơ trượt cho người già và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, nó cũng đem lại nhiều tiện nghi như dễ vệ sinh, chất liệu an toàn... Nếu gia đình không muốn sử dụng sàn gỗ, cũng có thể lựa chọn các vật liệu sàn khác như đá marble, đá nhân tạo hoặc gạch lát có độ bám cao.

Đứng tim trước cảnh bé trai cheo leo một mình ngoài ban công tầng 3, hàng xóm run rẩy giải cứu - 4

5. Lưu ý vị trí ổ điện

Trẻ rất tò mò, thích khám phá mọi nơi trong nhà. Thế nên đã xảy ra không ít trường hợp trẻ tự mày mò cho tay, bút, vật dụng cứng... vào trong ổ điện. Vì thế các vị trí ổ điện cần được thiết kế xa tầm mắt của trẻ, sử dụng các nút bịt ổ điện.

Đứng tim trước cảnh bé trai cheo leo một mình ngoài ban công tầng 3, hàng xóm run rẩy giải cứu - 5

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể giáo dục con bằng cách cho trẻ xem các video về sự nguy hiểm của điện để bé chủ động tránh xa.

Theo An Chi (Phụ Nữ Số)